Tiếp tục xử phạt DN nước ngoài dùng phần mềm lậu

(Dân trí) - Cơ quan chức năng vừa tiến hành xử phạt doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm kỹ thuật để xuất khẩu.

Thanh tra bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho biết, trong thời gian qua, hàng loạt các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả phần mềm máy tính đã được tiến hành trên cả nước. Điều đáng nói, ngoài các doanh nghiệp trong nước, các đơn vị kinh doanh máy tính, vẫn còn một số các doanh nghiệp 100%  vốn nước ngoài dù rất hiểu luật pháp nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Nhiều DN nước ngoài đã bị cơ quan chức năng phát hiện dùng phần mềm lậu.

Nhiều DN nước ngoài đã bị cơ quan chức năng phát hiện dùng phần mềm "lậu".

Đơn cử như cuộc thanh tra gần đây do Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (C50), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công An đã tiến hành tại Công ty TNHH Phát triển JB Steel Engineering Việt Nam, tại Hà Nội. Tại đây, lực lượng thanh tra liên ngành đã phát hiện rất nhiều phần mềm không có bản quyền được cài đặt trong 36 máy tính để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Phần lớn các phần mềm vi phạm là những phần mềm thiết kế chuyên dụng của Autodesk như AutoCAD và các phần mềm văn phòng thông dụng của Microsoft.

Đây là công ty 100% vốn của chủ đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm kỹ thuật, gia công phần mềm kỹ thuật kết cấu thép xây dựng để xuất khẩu. Điều đáng nói là một doanh nghiệp gia công để xuất khẩu, đơn vị này nắm rất rõ luật pháp nhưng vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận trước mắt.

Theo ông  Đào Anh Tuấn, Đại diện BSA Liên minh phần mềm tại Việt Nam, không chỉ đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa, những doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền còn đứng trước rủi ro rất cao bị đánh cắp dữ liệu và thông tin bị tin tặc truy cập trái phép.

Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp rủi ro, ngay cả doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Trong một Điều tra phần mềm Toàn cầu gần đây được công bố, những nhà quản lý CNTT ở các doanh nghiệp trên thế giới cho biết họ rất hiểu những nguy cơ mà phần mềm không có giấy phép có thể gây ra, 64% người sử dụng cho biết việc các tin tặc truy cập trái phép là một trong những nguy cơ lớn nhất, trong khi 59% đề cập đến việc mất dữ liệu.

Cơ quan chức năng cho biết, từ đây đến cuối năm, lực lượng thanh tra liên ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động  thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Phạm Thanh