Thứ trưởng Bộ TT&TT: Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chưa sẵn sàng với 4.0
(Dân trí) - Tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt” diễn ra tại Đà Nẵng sáng 14/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phan Tâm cho rằng Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia chưa sẵn sàng với 4.0.
Hội thảo do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Nguồn nhân lực CNTT được đánh giá cao nhưng chưa đáp ứng được 4.0
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm chia sẻ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) là cơ hội để các nước đang phát triển như Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Đây cũng là cơ hội các nước phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Và trong cuộc cách mạng này, Việt Nam đã nắm bắt nỗ lực có mặt ngay từ đầu.
Điểm cộng đầu tiên là lao động ngành CNTT của Việt Nam được đánh giá cao và có tiềm năng. Theo HackeRank, lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới. Và tại cuộc thi lập trình quốc tế, sinh viên Việt Nam xếp hạng thứ 34/128.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, nguồn nhân lực CNTT ở ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của 4.0. Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao.
Cần tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực CNTT
Mặc dù tỷ lệ đào tạo ngành CNTT ở hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước hiện nay khá cao (37,5%), chất lượng đầu vào tốt dựa vào điểm chuẩn tuyển sinh. Tuy nhiên, theo ông Tô Hồng Nam - Phó cục trưởng Cục CNTT (thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo) nhìn nhận nguồn nhân lực CNTT hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ và cả kỹ năng thực hành.
Để giải ”bài toán” này, ông Nam cho rằng cần có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp/nhà tuyển dụng với cơ sở đào tạo, xây dựng một chương trình đào tạo phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực CNTT ngay từ đầu.
Đồng ý với Cục trưởng Nam, đại diện các cơ sở đào tạo ngành CNTT cho rằng doanh nghiệp và nhà trường bắt tay xây dựng chương trình đào tạo là xu hướng của các nước phát triển. Điều này có lợi cho cả hai bên và đặc biệt là có lợi cho người học, không phải “học một đàng, làm một nẻo”, khi thực tế có các chương trình đào tạo đã lạc hậu so với thực tiễn ứng dụng.
Ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm đề nghị không chỉ doanh nghiệp, cơ sở đào tạo mà cả các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT cũng cần bắt tay nhau, tạo mối liên kết ba bên chặt chẽ hơn để đào tạo và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng nhân sự, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt nâng cao mức độ sẵn sàng của Việt Nam với 4.0
Tâm An