1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020

(Dân trí) - Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm chịu tác động của Covid-19, ngành CNTT-VT vẫn đạt nhiều thành tựu đột phá, góp công lớn trong giai đoạn “giãn cách xã hội”, đóng góp lớn cho chuyển đổi số.

Sáng nay (6/7), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ. 

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 1

Tham dự hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Bộ, đại diện đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành ICT trên cả nước. 

"Ngành TT&TT chung tay đẩy lùi đại dịch"

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 2

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu đi thăm các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp công nghệ Việt.

Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm diễn ra đầy khó khăn dưới tác động của Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, ngành TT&TT nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép đề ra trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước. 

Trong lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT báo cáo đạt tổng sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó, đã duy trì dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ, giao thương thông suốt hàng hoá, đặc biệt trong giai đoạn “giãn cách xã hội”. 

Trong lĩnh vực Viễn thông, đã có 11 đợt nhắn, gồm hơn 15 tỷ tin nhắn tới hơn 2 tỷ lượt thuê bao; 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ với giá trị hơn 152 tỷ đồng; thay đổi logo, âm báo cuộc gọi. 

Cùng với đó, các nhà mạng đã ra mắt nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho mùa dịch như tăng 50% dung lượng data mà không tăng cước; tăng gấp đôi băng thông truy cập mà không tăng giá; miễn phí cước data cho học sinh và giáo viên khi sử dụng nền tảng trực tuyến tới hơn 30.000 trường học. 

Bộ TT&TT cho biết đây là những biện pháp chỉ có ở Việt Nam mới làm được và chỉ Việt Nam mới làm hiệu quả. Cùng với đó, ứng dụng CNTT cũng đã thực hiện cuộc thao diễn “thực chiến” lớn nhất từ trước đến nay với gần 1000 kỹ sư từ các doanh nghiệp, phát triển trên 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch. 

Trong việc truy vết, giám sát cách ly, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có đủ bộ giải pháp từ mức nhà mạng, mức trạm thu phát sóng BTS, mức sử dụng định vị vệ tinh GPS đến mức theo dõi tiếp xúc gần dưới 2m dùng Bluetooth. 12 nền tảng và hàng trăm ứng dụng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã được ra mắt. 

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 3
Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 4
Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 5
Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 6
Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 7

Một số gian hàng trải nghiệm các công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong mùa dịch Covid-19 và góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Một số thành tựu đáng khích lệ khác đó là tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt, Bộ TT&TT, Bộ Y tế hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4. Hiệu quả cung cấp DVCTT cũng chuyển biến đáng kể với tỷ lệ DVCTT mức độ 3,4 phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi so với năm 2019. 

Tổng kết của Bộ TT&TT cho biết doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6/2020. 

Trong đó, ngành công nghiệp ICT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Việt Nam và dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hoá vào cuối năm 2020. 

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 8
Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 9

Smartphone "Make in Vietnam" đầu tiên hỗ trợ 5G được giới thiệu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT. (Ảnh: Nguyễn Nguyễn)

Lĩnh vực Báo chí tuyên truyền cũng đã thực sự trở thành một trong những lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch, với lượng tin bài về Covid-19 đạt gần 600.000 tin, mỗi ngày có 700 - 1.000 tin mới, thu hút 20-30 triệu lượt đọc. 

Bộ TT&TT đánh giá trong giai đoạn khó khăn của đất nước, báo chí đã thể hiện được giá trị rất rõ nét: Thông tin được chứng thực, đưa thông tin hướng dẫn phòng, chống dịch và đưa thông tin vì lợi ích cộng đồng. 

Cho phép triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung

Thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, thương mại vào tháng 10/2020 - 10

Bộ Thông tin và Truyền thông họp Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2020 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 6 định hướng lớn của Ngành TT&TT. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục ứng dụng CNTT để trở thành quốc gia chuyển đổi số. 

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng cho biết ngành Viễn thông cần nỗ lực trở thành hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây, và công nghiệp ICT cần gắn liền với sứ mệnh “Make in Vietnam”, xây dựng và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, do người Việt nghiên cứu và phát triển. 

Bộ trưởng cho biết trong năm 2020, các bộ, ngành và địa phương cần đặt mục tiêu đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4, chậm nhất là năm 2021. 

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ hướng đến hỗ trợ 100% các hệ thống CNTT của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp, mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao, cứ 1000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số để đưa CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. 

“Nếu như 6 tháng đầu năm là kiểm soát đại dịch, thì 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên”, lãnh đạo Bộ TT&TT nhấn mạnh. “Ngành TT&TT cần nhận lấy những sứ mệnh mới của đất nước, góp phần đưa Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành nước phát triển vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm”. 

Ngay trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các Tỉnh/Thành phố.

Trong tháng 7/2020, Bộ TT&TT bước đầu triển khai thử nghiệm thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G vào tháng 10. 

Đến hết năm 2020, Bộ TT&TT sẽ xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông, như SIM “rác”, tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”,... Đồng thời tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng SIM “rác” trên thị trường. 

Trong nửa cuối năm 2020 Bộ TT&TT cũng sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; triển khai Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, ĐTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyễn Nguyễn