Thu gom rác thải điện tử: Đừng nghĩ chúng tôi tìm kiếm lợi nhuận!

(Dân trí) - Thực hiện kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 9/9/2015 của UBND Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2015, HP và Apple đã phối hợp để thu gom miễn phí các thiết bị điện tử không còn sử dụng được tại Hà Nội.

 


HP và Apple cho biết sẽ hỗ trợ miễn phí Việt Nam thu hồi rác thải từ thiết bị điện tử.

HP và Apple cho biết sẽ hỗ trợ miễn phí Việt Nam thu hồi rác thải từ thiết bị điện tử.

Chương trình Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles) là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi, hư hỏng, không còn sử dụng được được tài trợ bởi Apple và HP. Các hoạt động thu gom rác thải điện tử miễn phí được thực hiện tại 5 điểm thu gom tại 5 phường trên địa bàn hai quận của thành phố Hà Nội . Chương trình hướng đến kêu gọi người dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng môi trường xanh mát hơn thông qua các hoạt động thu gom, xử lý và tái chế chất thải điện tử chuyên nghiệp và an toàn.

Trước đó, HP và Apple cũng đã tổ chức chương trình này tại TPHCM hồi tháng 4/2015. Tuy nhiên, tới nay, chương trình mới chỉ thu hồi được 320 kg rác thải điện tử, trong đó chủ yếu là màn hình máy tính, máy in, và các cục sạc…

Nói về những khó khăn trong đợt thu gom rác thải điện tử thực hiện trong 5 tháng qua tại TPHCM, chia sẻ với PV Dân trí, bà Monina De Vera-Jacob, Giám đốc bộ phận trách nhiệm xã hội và môi trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HP, cho biết: “Nhận thức của người dân là vấn đề đầu tiên mà chúng tôi gặp phải trong quá trình thực hiện. Thực tế này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà thậm chí là ở các nước phát triển trên thế giới, người dân vẫn nghĩ rằng những thiết bị điện tử đã hỏng nhưng vẫn có thể đem bán lại cho những người thu mua đồng nát để thu về một vài USD, thậm chí là chục USD. Tuy nhiên, đằng sau những món tiền nhỏ mà họ thu về là cả những nguy cơ mà cả xã hội đang đối mặt, bởi trong những rác thải điện tử, có những thành phần, link kiện khi người dân tách rời ra thì sẽ tạo ra những loại khí, chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường.

 


Những rác thải điện tử sẽ được xử lý để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những rác thải điện tử sẽ được xử lý để đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

“Mối nguy hiểm không đến với chúng ta ngay trước mắt mà sự nguy hại của nó đối với môi trường, đối với tương lai của con em chúng ta sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại”, bà Monina nhấn mạnh.

Hỗ trợ HP và Apple thực hiện Chương trình Việt Nam Tái Chế là tổ chức RLG (Reverse Logistics Group) đến từ Đức. Thành lập từ năm 1990, RLG là đơn vị chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện những trách nhiệm xã hội để thu gom và xử lý tất cả các loại rác thải. Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, bà Miriam Lassernig, đại diện truyền thông và marketing của RLG, cho hay, để nâng cao nhận thức của người dân các doanh nghiệp và tổ chức sẽ phải mất nhiều thời gian. Riêng tại châu Âu, RLG đã mất 20 năm để thuyết phục người dân ở đây xem việc thu gom rác thải là việc cần làm và giúp ích cho xã hội.

“Châu Âu cũng đã áp luật yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phải cam kết thu hồi 40% rác thải công nghiệp do mình sản xuất. Do đó, ý thức của doanh nghiệp đã góp phần giúp chương trình này thành công”.

Vấn đề được đặt ra là liệu những rác thải điện tử mà chương trình thu gom có giúp các doanh nghiệp và tổ chức có lợi nhuận từ việc bán lại các rác thải có thể tái chế, như nhựa, kim loại, kính…, bà Monica nhấn mạnh: “Chi phí hoạt động của chương trình rất lớn, chúng tôi phải thuê địa điểm thu gom, thuê bảo vệ… Đối với những rác thải đã được thu gom, chúng tôi phải thuê người phân loại những rác thải độc hại không thể vận chuyển ra nước ngoài thì sẽ thực hiện chôn tại những địa điểm được chính phủ Việt Nam cho phép. Trong khi đó, những rác thải còn lại sẽ được vận chuyển sang Singapore để đưa vào những cơ sở xử lý rác thải đủ tiêu chuẩn để xử lý. Chỉ một phần nhỏ rác thải tái chế được bán cho các doanh nghiệp sản xuất để tái sản xuất phục vụ cộng đồng. Số tiền này rât nhỏ và chúng tôi không có lợi nhuận từ nó”.

Bà Monica chia sẻ: “Đừng nghĩ rằng chúng tôi tìm kiếm lợi nhuận từ Chương trình này. Đây là trách nhiệm xã hội mà chúng tôi muốn cùng đồng hành với người dân Việt Nam”.

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ: “Người dân thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung rất cần đến những chương trình ý nghĩa như Việt Nam tái chế khi họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về việc xử lý chất thải điện tử một cách đúng đắn. Chúng tôi hy vọng cộng đồng sẽ nhiệt tình tham gia và ủng hộ chương trình cũng như hoàn toàn tin tưởng rằng chương trình sẽ tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường của Việt Nam”.

Năm điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí và dài hạn tại hai quận Cầu Giấy và Ba Đình (Hà Nội) gồm:

- Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, đối diện số 45 phố Nghĩa Tân (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy).

- Nhà văn hóa phường Yên Hòa, số 288, đường Trung Kính (phường Yên Hòa, Cầu Giấy).

- UBND phường Quán Thánh,  số 12-14 đường Phan Đình Phùng (Quán Thánh, Ba Đình).

- Bảo tàng Chiến thắng B.52, số 157 Đội Cấn (Đội Cấn, Ba Đình).

- UBND phường Thành Công, số 9 đường Thành Công (Thành Công

Khôi Linh