1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Thợ săn tin tặc ở Mỹ

Bên trong một trung tâm công nghệ cao ở thủ đô Washington của Mỹ hôm 26/10/2004, Brian K. Nagel, trợ lý giám đốc của Sở Mật vụ, và 15 nhân viên khác đang chuẩn bị chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào tội phạm trên mạng. Mục tiêu là nhóm ShadowCrew, một băng nhóm chuyên thực hiện các vụ ăn cắp tính danh, tài khoản ngân hàng và phát tán những chương trình độc hại trên web.

Trong nhiều tháng, các nhân viên đã theo dõi từng đường đi nước bước của nhóm này trên website của họ. Để bảo đảm tất cả đối tượng đều ở nhà, một thành viên hoàn lương của ShadowCrew đã thúc ép những thành viên khác lên mạng để họp nhóm vào thời điểm chiến dịch diễn ra.  

 

Đúng 9 giờ tối, chiến dịch Firewall bắt đầu. Các nhân viên mật vụ mang theo vũ khí và được sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương và quốc tế. Ai cũng căng thẳng, một phần vì thông tin một số thành viên ShadowCrew có vũ khí. Dù vậy, chiến dịch đã kết thúc nhanh chóng và không đổ chút máu nào: 29 thành viên của ShadowCrew bị tóm ở 8 bang, hầu hết bị bắt bên cạnh máy tính của mình ở nhà.

 

Chiến dịch trên là một trong số ít chiến tích hiếm hoi của những “thợ săn tin tặc” trong cuộc chiến chống tội phạm trên không gian ảo ở Mỹ. Được thúc đẩy bởi lợi nhuận khổng lồ, tội phạm chuyên nghiệp đã thay thế tin tặc nghiệp dư thích tìm cảm giác mạnh để trở thành mối đe dọa lớn nhất trên web.  

 

Mặc dù các phần mềm bảo vệ không ngừng được cải tiến, nhưng các cơ quan thực thi pháp luật và nhiều doanh nghiệp hiểu rằng họ không thể chỉ dựa vào công nghệ để đối phó với virus máy tính, những vụ xâm nhập máy tính và lừa gạt trên mạng. Thay vào đó, họ đang huy động sức mạnh của mình, áp dụng những thủ thuật từng được dùng để phá các tổ chức tội phạm có tổ chức – như sử dụng người cung cấp tin, cài người vào các nhóm hacker, theo dõi những trao đổi của chúng trên mạng.  

 

Trong khi các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ thường bị chỉ trích vì hay đối chọi nhau khi điều tra các vụ phạm tội truyền thống, họ lại hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống tội phạm trên mạng. Các cơ quan điều tra của địa phương, tiểu bang hay liên bang thường xuyên chia sẻ manh mối và phối hợp với nhau trong các đợt bố ráp. Thậm chí Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Sở Mật vụ còn thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm trên mạng chung ở Los Angeles. Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ cũng liên kết với nhiều công ty công nghệ và chuyên gia bảo mật tư, vốn thường là những người đầu tiên phát hiện ra các vụ phạm tội trên mạng.  

 

Có lý do để giải thích cho những hợp tác mới nói trên: Bọn xấu trên mạng đang thắng thế. Họ đang ăn cắp nhiều tiền và tính danh, phá hoại nhiều máy tính và xâm nhập vào nhiều hệ thống an ninh hơn bao giờ hết. Theo hãng nghiên cứu Computer Economics Inc., tổng số thiệt hại từ những vụ phạm tội nói trên đạt mức kỷ lục 17 tỉ USD ở Mỹ trong năm 2004, tăng 30% so với năm trước đó.  

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cảnh sát không có đủ tất cả vũ khí họ cần trong cuộc chiến trên không gian ảo, như nguồn tài chính không tương xứng với trình độ và quy mô hoạt động của đối thủ. Trong năm nay, FBI chỉ dành khoảng 150 triệu USD trong ngân sách 5 tỉ USD cho tội phạm trên mạng dù loại tội phạm này được xem là ưu tiên thứ 3.

 

Trái lại, tội phạm trên mạng đang ngày càng được tổ chức chặt chẽ và bành trướng hoạt động ra toàn cầu. ShadowCrew được cho là có khoảng 4.000 thành viên trên khắp thế giới, trong đó có cả người Brazil, Anh, Nga, Tây Ban Nha... Peter G. Allor, người đứng đầu nhóm tình báo ở hãng Internet Security Systems Inc. tại Atlanta, nói: “Bọn tội phạm có tổ chức đã nhận thấy rằng những gì họ có thể thực hiện ngoài đường phố, họ có thể làm trên không gian ảo”.

 

Dù vậy, các nhà chức trách Mỹ hy vọng rằng sự thành công của chiến dịch Firewall nói trên sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho những “thợ săn tin tặc” trong cuộc chiến chống tội phạm không gian ảo.  

 

 Theo Người lao động