Thị trường thiết bị số Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong 10 năm tới

(Dân trí) - “Chỉ khi nào số máy tính cá nhân nhiều tương đương số lượng TV, số ĐTDĐ vượt số điện thoại để bàn... thì khi đó thị trường mới tạm coi là bão hòa”.

Đó là dự đoán của ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới Số Trần Anh - một trong những công ty đi tiên phong trong thị trường bán lẻ thiết bị số - trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Dân trí về sự phát triển của thị trường thiết bị số Việt Nam bối cảnh sắp phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ từ nước ngoài theo lộ trình mở cửa của WTO.

Ông đánh giá thế nào về thị trường thiết bị số của Việt Nam hiện nay?

Thị trường thiết bị số ở Việt Nam hiện đang có sự tăng trưởng rất ngoạn mục và sẽ diễn ra ít nhất trong vòng 10 năm tới. Mặt hàng thiết bị số sẽ ngày càng được tiêu thụ nhiều hơn thông qua kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại. Thương hiệu, chất lượng sản phẩm, tính thời trang, chất lượng dịch vụ sẽ là những yếu tố hàng đầu mà người tiêu dùng quan tâm khi lựa chọn sản phẩm.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ dân trí và thu nhập của người dân. Chỉ khi nào số máy tính cá nhân nhiều tương đương số lượng tivi, số điện thoại di động vượt số điện thoại để bàn... thì khi đó thị trường mới tạm coi là bão hòa. Nhưng sự bão hòa ở đây chỉ có ý nghĩa về độ phủ, chứ không có nghĩa là sức mua sẽ tụt giảm mạnh. Vì thiết bị số luôn luôn thay đổi công nghệ mà giới trẻ thì luôn muốn khám phá cái mới, thế nên họ sẽ liên tục nâng cấp thiết bị số mới chứ sẽ không bị bão hòa như thị trường tivi.

Máy tính “made in Việt Nam” hiện được bán rộng rãi trên thị trường, nhưng chưa phải là lựa chọn “số 1” của người tiêu dùng. Theo ông,các thương hiệu Việt cần làm gì để tạo niềm tin và sự lựa chọn cho người dân ?

Để có thể tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng thì các nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt cần phải luôn duy trì được chính sách giá, chính sách dịch vụ và sự đa dạng của sản phẩm tốt hơn hẳn sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, ở cả 3 mảng này, hiện nay các máy tính thương hiệu Việt mới chỉ làm tốt được ở mảng dịch vụ, chứ 2 mảng kia vẫn chưa ổn. Vậy nên, theo tôi, thị phần của máy tính “made in Việt Nam” rất khó bứt lên.

Cùng với Trần Anh, thời gian này có rất nhiều công ty như: Viễn Đông A, Hoàng Long, Phong Vũ... mở rộng thị trường trong cả nước. Với việc mở rộng siêu thị số như hiện nay, phân khúc thị trường mà Trần Anh hướng tới trong tương lai sẽ như thế nào ?

Chúng tôi xây dựng siêu thị theo mô hình “cửa hàng rất to mà bán giá vẫn rẻ”, chứ không phải là cách nghĩ đã vào siêu thị là giá phải đắt hơn ở ngoài. Vì vậy phân khúc thị trường của chúng tôi không có gì thay đổi so với hiện nay, Trần Anh vẫn chọn hộ gia đình, học sinh sinh viên và các cơ quan văn phòng qui mô vừa làm khách hàng mục tiêu của mình.

Để có thể duy trì được “chính sách siêu thị bán giá rẻ”, chúng tôi chọn cách da dạng ngành hàng kinh doanh nhằm khai thác tối đa hiệu suất đầu tư và chi phí mặt bằng. Cụ thể, chúng tôi đã kinh doanh thêm mặt hàng điện thoại di động, và vào quí 4 tới đây là mặt hàng điện tử - điện máy - đồ gia dụng. Nhờ đó chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh về giá bán với các đối thủ chỉ kinh doanh một ngành hàng.

Đâu là thế mạnh của Trần Anh trong cuộc cạnh tranh này?

Niềm tin của người tiêu dùng là thế mạnh của chúng tôi. Chính sách của chúng tôi là mang đến những gì có lợi nhất cho người dùng với nhiều dịch vụ gây “sốc”.

Thế mạnh thứ 2 không kém phần quan trọng của Trần Anh, đó là chúng tôi đã đi trước khá xa nhiều công ty có cùng định hướng kinh doanh về diện tích và mặt bằng kinh doanh, về mô hình quản trị công ty, về phần mềm ứng dụng trong quản lý bán lẻ. Những điều này chúng tôi đã phải âm thầm làm và chuẩn bị từ cách đây 3 năm.

Thời gian này, Trần Anh có nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên, gần đây nhất là thông qua Quỹ Khuyến học Việt Nam (Hội Khuyến học Việt Nam) tặng 40 bộ máy tính Tiger trị giá 360 triệu đồng cho 40 thủ khoa 40trường Đại Học tại Hà Nội. Tại sao Trần Anh lại hướng vào các hoạt động xã hội này?

Mỗi một doanh nghiệp khi tham gia hoạt động kinh doanh trên thương trường, ngoài việc làm sao phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, họ luôn phải hiểu rằng mình cũng cần có nghĩa vụ chung tay với đất nước trong sự nghiệp phát triển chung, thông qua các hoạt động xã hội.

Chính vì hiểu điều đó nên chúng tôi rất quan tâm tới việc tham gia các hoạt động xã hội như: làm từ thiện, tài trợ cho các cuộc thi tài năng, tài trợ cho các hoạt động cồng đồng. Hoạt động này được chúng tôi quan tâm ngay từ những năm đầu thành lập và luôn coi đó như một nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm