Thị trường smartphone Nhật Bản “bội thực” với iPhone 5S

(Dân trí) - Hai thế hệ iPhone 5S và iPhone 5C chiếm tới 76% doanh số smartphone bán tại Nhật Bản trong tháng 10 vừa qua, trong đó có đến 61% máy được bán tại nhà mạng NTT DoCoMo.

Người dùng Nhật Bản ngày càng đam mê điện thoại iPhone.
Người dùng Nhật Bản ngày càng đam mê điện thoại iPhone.
Theo số liệu của Kantar, trong tháng 10 vừa qua, cứ 4 smartphone bán tại Nhật Bản thì có 3 điện thoại do Apple sản xuất, trong đó chủ yếu là iPhone 5S và iPhone 5C.

Theo số liệu thống kê của công ty phân tích thị trường Kantar, iPhone 5S và iPhone 5C đã tạo ra một cơn sốt tại thị trường Nhật Bản sau khi bộ đôi sản phẩm này được bán trên kệ hàng của các nhà mạng. Theo đó, có đến 76% smartphone bán ra tại nước này trong tháng 10 vừa qua là iPhone 5S và iPhone 5C. Đây là lần đầu tiên Apple ghi điểm mạnh với người dùng xứ sở hoa anh đào sau nhiều năm hãng này đánh mất thuê bao về tay Samsung.

Cuộc cạnh tranh giữa 3 nhà mạng NTT DoCoMo, SoftBank và KDDI là một phần thúc đẩy doanh số của iPhone 5S và iPhone 5C.

Trong ngày đầu tiên bán bộ đôi điện thoại này hồi tháng 9, giới truyền thông Nhật Bản đã thực sự bất ngờ khi thấy từng hàng người bất chấp mưa bão đứng xếp hàng để trở thành một trong những khách hàng đầu tiên mua iPhone 5S. Trong đó có đến 45,7% thuê bao của nhà mạng NTT DocoMo chi tiền mua iPhone 5S, so với tỷ lệ 29% của KDDI Corp, và 25,3% của nhà mạng SoftBank.

Trước đó, theo một báo cáo, doanh số Apple tại Nhật Bản tăng mạnh gần 30% trong năm tài khóa vừa qua, đưa mức lợi nhuận biên của hãng này tại Nhật cao hơn 15% so với các nước khác trên thế giới. Trong khi đó, tại Trung Quốc, vốn vẫn được xem là thị trường quan trọng đối với Apple, chỉ đạt mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước đó.

Eiji Mori, một nhà phân tích tại Tokyo, cho biết khi người Nhật lựa chọn điện thoại, yếu tố quan trọng của họ không phải là cấu hình, không phải là cái gì đó mang tính logic, mà đơn giản chỉ là “sở hữu điện thoại iPhone”.

Sự thành công của Apple tại Nhật Bản chính là cái giá phải trả của các hãng di động “chủ nhà”, như Sony, Sharp, Panasonic, và NEC. Riêng Panasonic và NEC gần như nhưng còn cơ hội để cạnh tranh trên thị trường đên đã chọn cách đóng cửa bộ phận smartphone. Có lẽ đây là cái kết không bao giờ họ có thể nghĩ đến bởi thị trường Nhật Bản vốn luôn ưu ái với những thương hiệu bản địa. Tuy nhiên, xu hướng công nghệ đã đổi thay và kẻ chậm chân sẽ không còn cơ hội.
Khôi Linh