Thị trường game online: Cuộc chiến giữa các “đại gia”

Những diễn biến mới nhất trên thị trường game trực tuyến của Việt Nam đang hứa hẹn một cuộc đua không khoan nhượng giữa 2 “đại gia” trên thị trường này: VASC và FPT.

FPT bứt phá

 

Bước vào “sân chơi” game trực tuyến tương đối muộn, nhưng những động thái gần đây của Công ty Truyền thông FPT cho thấy họ đang rất nỗ lực rút ngắn quãng đường. Hôm 20/5 vừa qua, công ty này đã cho ra mắt phiên bản chính thức miễn phí của “PTV - Giành lại miền đất hứa” - một dạng game nhập vai trực tuyến (MMORPG) của Hàn Quốc được FPT mua bản quyền - sau 2 tháng thử nghiệm tại website http://www.ptv.com.vn.

 

Theo FPT, với một cộng đồng khoảng 500.000 người đăng ký chơi tính đến thời điểm này, hiện PTV là game trực tuyến có bản quyền đông người dùng nhất tại Việt Nam hiện tại. Việc thu phí trò chơi này có thể sẽ được bắt đầu từ cuối năm nay, mặc dù hình thức thu phí người chơi như thế nào vẫn chưa được quyết định.

 

Ngoài ra, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu thiết lập 1.000 đại lý cho trò chơi này, FPT cũng tung ra một chương trình khuyến mãi đường truyền ADSL MegaGame dành riêng cho các cửa hàng game tại hai khu vực màu mỡ nhất là Hà Nội và TPHCM. Các cửa hàng sẽ được áp dụng mức phí hàng tháng ưu đãi trọn gói 550.000 VND để hỗ trợ chơi PTV.

 

Trong một động thái gây bất ngờ khác, vào ngày 12/5 vừa qua, FPT đã chính thức mua bản quyền MU - game trực tuyến từng “làm mưa làm gió” tại Việt Nam và hiện vẫn giữ ngôi vị bá chủ - sau một thời gian dài đàm phán với chủ sở hữu là hãng Webzen (Hàn Quốc). Mặc dù hiện công ty vẫn chưa công bố thông tin này, song những đồn đoán bên lề đã làm giới chơi game trực tuyến trong nước rúng động.

 

Đơn giản bởi tất cả các máy chủ MU hiện nay tại Việt Nam đều chưa có bản quyền, kể cả máy chủ MU của Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Các máy chủ này đang hoạt động nhờ vào nguồn thu từ cộng đồng người chơi và các đại lý. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có những “xáo động” không đơn giản trong trường hợp FPT muốn tuyên chiến với các máy chủ “lậu”, một khả năng được xem là dễ xảy ra.

 

Ngoài PTV và MU, FPT cho biết hiện công ty cũng đang đàm phán với các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm mua bản quyền thêm một số game trực tuyến khác trong năm 2005.

 

VASC dốc sức vào cuộc chơi

 

Theo phân tích của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), trong số các dịch vụ trực tuyến vào thời điểm cuối năm 2004 và đầu năm 2005, dịch vụ game trực tuyến nổi lên mạnh mẽ nhất tại thị trường Việt Nam và được dự báo sẽ mang lại doanh thu rất lớn trong thời gian tới.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VASC từng cho rằng VASC sẽ đạt doanh số không dưới 1 triệu USD/năm nhờ kinh doanh loại hình dịch vụ này. Theo điều tra của VASC, hiện nay người chơi game trực tuyến Việt Nam tập trung nhiều nhất ở độ tuổi từ 14-35. VASC nhận định đây đang là loại hình giải trí được giới trẻ ưa thích và chiếm ưu thế trước những phương tiện truyền thông hiện đại khác.

 

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi VASC đã có một quá trình chuẩn bị dài hơi và nghiêm túc từ khá sớm cho việc khai phá thị trường này, bất kể việc họ tỏ ra khá im ắng trong thời gian gần đây.

 

Đầu năm nay, liên tiếp 3 game trực tuyến đã được VASC mua bản quyền từ các công ty Hàn Quốc và Đài Loan sau gần 1 năm đàm phán, đó là Herrcot, Risk Your Life II và Darcania. Cả ba game trực tuyến nói trên đều được giới thiệu trước đông đảo game thủ tại Ngày hội Game Online do VASC phối hợp với Intel Việt Nam và Công ty Máy tính CMS tổ chức đồng thời tại Hà Nội và TPHCM cuối tháng 1 vừa qua.

 

Đồng thời, ba công ty này cũng cùng bắt tay xúc tiến mở rộng mạng lưới đại lý game trực tuyến tại Việt Nam dưới tên gọi “Game Online - Thế giới diệu kỳ”.

 

Ngay trong năm 2005, VASC cũng đặt ra mục tiêu ký kết khai thác bản quyền phát hành tại thị trường Việt Nam ít nhất 5 game trực tuyến khác, trong đó có những game đang rất thịnh hành trên thế giới.

 

Ngang ngửa...?

 

Sau giai đoạn ‘một mình một chợ” của game MU, hiện người chơi Việt Nam đã có thể lựa chọn cũng như có thể so sánh sự lựa chọn của mình khi xuất hiện ngày càng nhiều các trò chơi có độ hấp dẫn không chênh lệch nhau quá xa. Bởi vậy, có thể dự báo thị phần game trực tuyến tại Việt Nam trong tương lai sẽ được quyết định bởi yếu tố then chốt là số lượng đại lý, tiếp theo là chất lượng dịch vụ, chi phí chơi và các ưu đãi khác.

 

Đã bước qua thời kỳ sơ khai, việc kinh doanh game trực tuyến tại Việt Nam hiện nay đòi hỏi cách làm ăn chính quy với vốn đầu tư lớn, nếu muốn thành công. Bởi lý do đó, thị trường này chủ yếu sẽ chỉ nằm trong tay các đại gia, trước mắt là “liên minh” tay ba của VASC và FPT, sau những cú rượt đuổi ngoạn mục của FPT trong thời gian gần đây. Ưu thế rõ rệt sẽ khó lòng nghiêng hẳn về một bên, bởi cả 2 công ty đều sở hữu quyết tâm và tiềm lực mạnh.

 

Một ẩn số khác không thể xem nhẹ là VDC: có thông tin cho thấy công ty này cũng đang nhấp nhổm vào cuộc. Hiện VDC mới đang đàm phán với các đối tác Hàn Quốc để thành lập công ty cổ phần kinh doanh game trực tuyến. Tuy nhiên, VDC vẫn chưa tiết lộ thời điểm tung ra dịch vụ này.

 

Theo Ngọc Kiên
Vneconomy