Thêm một tuyến cáp quang biển từ Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố
(Dân trí) - Kể từ tháng 12/2019, đây đã là lần thứ 2 ghi nhận có nhiều tuyến cáp biển gặp sự cố cùng lúc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ truy cập Internet của người dùng Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo thông tin từ một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, trong khi tuyến cáp quang biển AAG đang bị lỗi trên nhánh S1H, thì vào ngày 23/5 vừa qua, một tuyến cáp biển khác là APG cũng gặp sự cố, gây ảnh hưởng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Được biết, tuyến cáp APG gặp sự cố trên đoạn S1.7, gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến. Hiện nguyên nhân vẫn đang được xác định. Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố sẽ được đối tác quốc tế thông báo trong thời gian tới.
Ngay sau khi phát hiện tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố, các nhà mạng đã triển khai phương án để điều chuyển lưu lượng sang các hướng cáp đất liền và cáp biển khác.
Tuy nhiên theo ghi nhận, việc cả hai tuyến cáp quan trọng là APG và AAG cùng lúc gặp sự cố vẫn khiến người dùng gặp nhiều khó khăn khi muốn giải trí, làm việc vào cuối tuần, đặc biệt là khi truy cập vào các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Netflix, hay thậm chí là ứng dụng Zoom.
Trước đó vào ngày 14/5, tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố lần thứ hai trong năm 2020, gây ảnh hưởng chất lượng dịch vụ Internet quốc tế trên tuyến. Nguyên nhân được xác định là do lỗi cáp trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, với vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7 km.
Trước đây từng rất hiếm khi 2 hoặc nhiều tuyến cáp quang biển gặp sự cố tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên kể từ năm 2019, tình trạng này có vẻ như dần trở nên phổ biến. Cá biệt vào tháng 12/2019 đã có giai đoạn ghi nhận cả 3 tuyến cáp là AAG, IA và AAE-1 cùng gặp sự cố, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ truy cập Internet của người dùng Việt Nam và các nước trong khu vực.
Nguyên nhân đứt cáp quang biển khá đa dạng, nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo đậu hoặc khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này khi di chuyển vô tình mắc vào sợi cáp làm đứt. Cũng có video từng ghi lại cảnh một con cá mập đang cắn sợi cáp quang, gây hư hại tới nhánh này.
AAG là tuyến cáp quang biển có tổng chiều dài 20.191 km, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Tuyến cáp này kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ; đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hồng Kông (Nam Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Trong khi đó, tuyến cáp APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, APG được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của các lần cáp biển gặp sự cố trước đó, các chuyên gia cho rằng, cho đến khi sự cố của các tuyến cáp AAG, APG được khắc phục xong, việc truy nhập Internet từ Việt Nam đi quốc tế có thể khó khăn hơn so với bình thường. Tuy nhiên, người dùng dịch vụ Internet tại Việt Nam vẫn sẽ truy cập được các nội dung trong nước một cách bình thường, bởi lưu lượng đến các website trong nước được thực hiện thông qua hạ tầng cáp quang nội địa của các doanh nghiệp viễn thông.
Nguyễn Nguyễn