Tàu đổ bộ sao chổi Philae hoàn thành nhiệm vụ

(Dân trí) - Đúng như dự báo ban đầu, việc phải hạ cánh lần hai công thêm một chút thiếu may mắn đã khiến tàu đổ bộ sao chổi Philae rơi vào chế độ ngủ đông. Tuy nhiên, chiếc tàu này cũng đã kịp ghi lại nhiều thông tin cực kì quý giá.

Như thông tin đã đăng tải trước đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã tiến hành cho đổ bộ tàu thăm dò Philae tách từ tàu mẹ Rosetta thành công xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko sau quãng đường 6,4 tỉ km và bay trong vòng 10 năm. Sự kiện này được các nhà khoa học vũ trụ cực kì phấn khích và nhận định đây “chính là bước tiến lớn của nền văn minh nhân loại”. Trên thực tế, đây cũng chính là tàu vũ trụ đầu tiên đáp lên bề mặt một sao chổi.

Theo các nhà khoa học, khi tiến hành hạ cánh, tàu vũ trụ đã gặp phải sự cố khi chỉ 2 trong 3 đôi chân bám vào bề mặt sao chổi. Điều này đã khiến Philae “bật ngược trở ra” và đã phải tiến hành hạ cánh lần thứ hai.

Trong đợt hạ cánh lần thứ hai này, các nhà khoa học đã tiến hành đưa Philae nhắm mục tiêu một tảng băng trên sao chổi nhằm “khóa” con tàu này tại đó. Tuy nhiên, khi bật nhảy lần thứ hai, con tàu thăm dò này đã đáp “nhầm” chỗ với sai lệch lên đến 1 km so với tính toán. Một điều kém may mắn nữa là Philae đã “nhảy” ngay vào một miệng hố nào đó trên sao chổi và điều này đã khiến các tấm pin mặt trời bị hư hại. Cộng với việc miệng hố quá tối khiến các tấm pin mặt trời không thể nhận ánh sáng, Philae đã chuyển qua chế độ ngủ đông (hibernate).

Tàu thăm dò châu Âu hạ cánh thành công lên bề mặt sao chổi

Theo ghi nhận từ các nhà khoa học, tính đến tối ngày 14/11 (tức trước khi hết năng lượng), Philae đã dùng toàn bộ nguồn pin của mình để gửi toàn bộ những dữ liệu thu thập được trên sao chổi về Trái đất.

Thế nhưng, theo Stephan Ulamec – người phụ trách tàu thăm dò của ESA - cho biết, Philae vẫn chưa “chết” bởi nếu tính quỹ đạo sao chổi này, cơ hội để tàu thăm dò “sống lại” có thể là vào tháng 8/2015. Hiện tại, sao chổi đã vượt qua sao Hỏa và sẽ tiến gần mặt trời hơn vào ngày đó. Nếu cộng thêm may mắn, việc các tấm pin mặt trời nhận ánh sáng sẽ giúp tàu lấy lại năng lượng và “tỉnh dậy”.

“Chúng tôi hi vọng ở giai đoạn tiếp theo, khi sao chổi gần hơn với mặt trời, ánh sáng sẽ có đủ để làm thức tỉnh tàu đổ bộ Philae”, Ulamec nói.

Trong khi đó, tàu mẹ Rosetta hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động cách quỹ đạo sao chổi 30 km và sẽ tiến hành đến gần sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko một lần nữa vào đầu tháng tới. Ở lần tiếp theo này, dự kiến khoảng cách tiếp xúc là 8 km. Hiện Rosetta cũng sẽ tận dụng các cơ hội để “đánh thức” Philae dậy. 

Lâm Anh