Sự cố "màn hình xanh" gây thiệt hại trên toàn cầu ra sao?
(Dân trí) - Sự cố "màn hình xanh" xảy ra trên hệ thống máy tính chạy Windows toàn cầu vào cuối tuần trước đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế và ảnh hưởng đến hàng chục triệu người.
Hãng hàng không chịu thiệt hại nặng nhất từ sự cố "màn hình xanh", phải sửa lỗi thủ công
Sự cố "màn hình xanh chết chóc" xảy ra với hàng ngàn hệ thống máy tính trên toàn cầu vào chiều 19/7, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm hàng không, ngân hàng, đài truyền hình, chăm sóc y tế, đường dây nóng cứu nạn…
Hàng không là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ sự cố này, khi hàng trăm sân bay và hãng bay đã không thể hoạt động bình thường.
Theo nền tảng giám sát hàng không FlightAware, vào chiều 19/7, thời điểm sự cố "màn hình xanh" bắt đầu xuất hiện, hơn 40.000 chuyến bay đã bị hoãn và hơn 5.000 chuyến bay khác trên toàn thế giới bị hủy.
Trong số đó, Delta Air Lines là hãng hàng không chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự cố lần này.
4 ngày sau khi sự cố xảy ra, trong khi hầu hết các hãng hàng không đã bắt đầu hồi phục và trở lại hoạt động bình thường, Delta Air Lines vẫn đang gặp khó khăn trong việc khôi phục hoạt động khiến hãng phải hủy hàng trăm chuyến bay mỗi ngày và đang phải thiết lập lại từng máy tính gặp lỗi theo cách thủ công.
Trong một thông cáo đưa ra, Delta Air Lines cho biết hơn một nửa máy tính của hãng sử dụng hệ điều hành Windows nên đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố "màn hình xanh".
"Lỗi của CrowdStrike trên Windows đòi hỏi các nhóm kỹ sư của Delta phải tự sửa chữa và khởi động lại từng hệ thống bị ảnh hưởng theo cách thủ công, sau đó cần thêm thời gian để các ứng dụng đồng bộ hóa và bắt đầu kết nối với nhau", đại diện của Delta Air Lines cho biết.
Hãng hàng không này cũng cho biết các công cụ liên quan đến quá trình vận hành như phần mềm theo dõi phi hành đoàn, kiểm tra số lượng nhân viên trên các chuyến bay… vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường và cần phải sửa chữa thủ công.
Vào thời điểm sự cố xảy ra hôm 19/7, Delta cũng là hãng hàng không chịu thiệt hại nặng nhất, với 1.207 chuyến bay bị hủy, tương đương 1/3 số lượng chuyến theo lịch trình. United Airlines là hãng chịu thiệt hại nặng nề thứ 2, với 694 chuyến bay bị hủy. Tính từ thời điểm đó đến nay, Delta đã phải hủy hơn 5.000 chuyến bay do hệ thống chưa khắc phục được sự cố "màn hình xanh".
Các hành khách của Delta Air Lines đã phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn do các chuyến bay bị hủy hoặc hoãn, buộc họ phải thay đổi toàn bộ lịch trình. Delta cho biết hãng sẽ cho phép những khách hàng bị ảnh hưởng có thể thay đổi lịch trình bay miễn phí, đồng thời có các hình thức bồi thường, bao gồm phiếu ăn uống, đi lại, chỗ ở khách sạn, tăng hạng thành viên…
Ước tính ban đầu về thiệt hại do sự cố "màn hình xanh" trên toàn cầu gây ra
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về thiệt hại do sự cố "màn hình xanh" trên toàn cầu gây ra, nhưng các chuyên gia ước tính thiệt hại có thể lên đến 1 tỷ USD hoặc thậm chí nhiều hơn.
"Vẫn còn quá sớm để có thể tính toán thiệt hại chính xác sau sự cố xảy ra do những hậu quả vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và có thể kéo dài, nhưng chắc chắn thiệt hại sẽ không dưới 1 tỷ USD", Patrick Anderson, CEO của công ty phân tích thị trường Anderson Economic Group, Mỹ, nhận xét.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích thị trường ước tính sự cố "màn hình xanh" đã ảnh hưởng đến hơn 43 triệu người trên toàn cầu, chủ yếu là hành khách của các hãng hàng không.
Trước đó, Microsoft cho biết sự cố chỉ ảnh hưởng đến 8,5 triệu thiết bị, tương đương 1% máy tính chạy Windows trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự cố xảy ra chủ yếu ảnh hưởng đến các hệ thống máy tính của doanh nghiệp nên gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến số lượng lớn người dùng.
Chiều 19/7 (theo giờ Việt Nam), hàng triệu máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trên toàn cầu gặp sự cố nghiêm trọng. Các hệ thống bị ảnh hưởng xuất hiện "màn hình xanh chết chóc" (BSOD-Blue Screen of Death) và rơi vào tình trạng khởi động lại liên tục, không thể hoạt động bình thường.
Lỗi chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thống máy tính doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các dịch vụ thiết yếu như giao thông, ngân hàng, đài truyền hình và hệ thống cấp cứu, chăm sóc sức khỏe.
Nguyên nhân được xác định là từ một bản cập nhật phần mềm của hãng bảo mật CrowdStrike. CrowdStrike chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, hiện có khoảng 29.000 khách hàng toàn cầu, chủ yếu là các công ty, tập đoàn lớn. Trong số này, hơn 500 doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 1000.
Chính vì CrowdStrike có quá nhiều khách hàng doanh nghiệp nên khi sản phẩm gặp lỗi đã gây ảnh hưởng rộng rãi, ngưng trệ hoạt động của nhiều tập đoàn lớn.