Sự cách tân của Zalo

VNG, doanh nghiệp công nghệ với doanh số 100 triệu đô la Mỹ đặt cược lớn vào Zalo, ứng dụng trên điện thoại di động thông minh đang dẫn đầu về số lượng người sử dụng tại Việt Nam.

Đại bản doanh của VNG, tên cũ là Vinagame, chiếm hơn 10 tầng lầu tòa cao ốc Flemington tại trung tâm quận 11, TP.HCM. Khoảng 2.000 nhân viên, phần lớn ở độ tuổi dưới 30, làm việc trong môi trường văn phòng hiện đại thiết kế mở, kiểu thiết kế phổ biến tại các công ty công nghệ thời Internet. Vẻ bề ngoài này đủ cho thấy sự bề thế của công ty công nghệ Internet được cho là có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Nhưng vẻ bề ngoài không phải là sự đảm bảo của khả năng cách tân và năng lực sáng tạo. VNG đang có minh chứng hùng hồn hơn. Zalo, ứng dụng OTT (Over The Top) do VNG phát triển và tung ra thị trường vào cuối năm 2012, nay đã đạt số lượng 37 triệu người sử dụng, theo thông tin mới nhất do công ty cung cấp. Lượng người dùng mới đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, khiến chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Lê Hồng Minh tự tin tuyên bố với các nhân viên trong bức tâm thư mới nhất rằng sẽ đạt con số 40 triệu người dùng vào tháng 11 năm nay – tăng gấp đôi so với mức 20 triệu người dùng đạt được hồi tháng 12.2014


CEO Nguyễn Hồng Minh (trái) và Vương Quang Khải, người phụ trách mọi hoạt động “không liên quan đến game”

CEO Nguyễn Hồng Minh (trái) và Vương Quang Khải, người phụ trách mọi hoạt động “không liên quan đến game”

Con số 37 triệu người dùng – với tỉ lệ người dùng thường xuyên (active users) là 60%, theo thông tin tự công bố của Zalo – là mỏ vàng đáng mơ ước của bất kỳ một công ty công nghệ nào ở Việt Nam, và đặt Zalo ở vị trí tốp đầu trong cuộc đua công nghệ tại Việt Nam với các tên tuổi OTT thế giới, bỏ xa những ứng dụng nội địa khác. Nó đồng thời khiến người đang dẫn dắt sự sáng tạo tại VNG, Vương Quang Khải, người phụ trách mọi hoạt động “không liên quan đến game” kể từ khi gia nhập VNG năm 2007 tới nay, trong tình trạng luôn luôn “paranoid” (tạm dịch là “hoang tưởng”) - tâm thế của người luôn đứng trước thách thức phải đem đến sự sáng tạo trong sản phẩm, công nghệ và cách thức kinh doanh, để có thể tạo ra giá trị. Thách thức tiếp theo là biến mỏ vàng người dùng hiện có thành tiền, thành lợi nhuận.

“Chúng tôi nghĩ sáng tạo một cách đột phá rất khó,” Vương Quang Khải nói khi được hỏi về những nỗ lực cách tân của đội ngũ của anh với Zalo. “Chúng tôi chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ như làm sao để gửi tin nhắn nhanh hơn 1/10 giây. Việc gửi tin nhắn nhanh hơn một chút nghe không có gì hấp dẫn và lúc đầu tôi nghĩ người dùng sẽ khó cảm nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên khi hầu hết các khảo sát sau này đều cho thấy người dùng chọn Zalo vì gửi tin nhanh và ổn định hơn các OTT khác.”

Gửi tin nhắn, chức năng cơ bản nhất của một ứng dụng OTT, cũng là chức năng được sử dụng nhiều nhất tại Zalo và cho đến nay, theo cả Khải và Minh, là niềm tự hào của đội ngũ xây dựng sản phẩm này. Họ cho rằng đây là chức năng hữu dụng nhất đem lại sức hút với người sử dụng và là thế mạnh của Zalo hiện nay. Theo Khải, đây là bài học tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng mà họ rút ra được sau cuộc chạy đua với Facebook bằng sản phẩm mạng xã hội ZingMe trước đó. Anh nói: “Sẽ không thể sống sót nổi nếu chạy đua trên tất cả phương diện với họ. Chúng tôi sẽ không thể thiết kế đẹp được bằng Line hay KakaoTalk. Vậy thì mình phải chọn được một cái gì đấy khác biệt và cực kỳ tốt ở chỗ đấy.”

Khải và đội ngũ của mình nhận thấy sản phẩm của các đối thủ như Viber, Line, KakaoTalk đều thiết kế ứng dụng dành cho mạng có dung lượng cao và chạy rất nhanh. Nhưng tại Việt Nam, “Mạng hay lỗi, cái máy điện thoại cấu hình yếu, thì mình phải tối ưu để chạy được trên những con đường khấp khểnh như thế, chứ không phải là mình cứ làm đẹp nhất là tốt.”

Nỗ lực cách tân của công ty 11 tuổi đời này được dấy lên vào năm 2008, khi VNG, đã được biết đến như công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến thành công hàng đầu tại Việt Nam, quyết tâm trở thành công ty Internet. Cùng với sự gia nhập vào đội ngũ lãnh đạo VNG của Vương Quang Khải, VNG bắt đầu đầu tư vào R&D và một loạt sản phẩm nội dung và mạng xã hội trên Internet, trong đó đáng kể nhất là mạng xã hội ZingMe, có thời điểm được cho là có tới hơn 20 triệu người dùng. Nhưng bước ngoặt lớn nhất xảy ra vào năm 2012, khi VNG chọn chiến lược tập trung vào các sản phẩm mobile, khi nhận thấy rằng đây là xu thế lớn nhất. Trước đó, theo Lê Hồng Minh, VNG mới chỉ dừng ở “một công ty vận hành sản phẩm với những năng lực chính yếu nằm ở nội dung, marketing và phân phối.” Doanh thu của VNG phần lớn đến từ các sản phẩm game trực tuyến, chủ yếu là sản phẩm của đối tác nước ngoài được Việt hóa nội dung.

ZingMe, sản phẩm lõi của VNG trong giai đoạn 2008 – 2012, cùng với một loạt đầu tư vào nội dung khác trên Internet, đủ để khiến VNG trở thành một trong những công ty công nghệ đáng gờm trong một cái chợ còn rất bé của làng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, nhưng chưa đủ để tạo thành sức mạnh công nghệ thực sự. ZingMe thất bại, không đấu lại được với Facebook, mạng xã hội được yêu thích nhất tại Việt Nam với lượng người sử dụng cho đến thời điểm tháng 9.2015 là 30 triệu. Nhưng ZingMe giúp cho Khải và đội ngũ của anh sự cọ xát và kinh nghiệm để đương đầu với thách thức xây dựng nền tảng ứng dụng mobile. Khải thuyết phục hội đồng quản trị của VNG (công ty chưa niêm yết nhưng đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư tổ chức lớn như Tencent và Goldman Sachs) đặt cược vào mobile.

Khải kể về giai đoạn này: “Lúc đầu, khi tiến sang mobile tôi cũng muốn mang theo một số kinh nghiệm đã thành công ở trên web. Về sau tôi thấy một chuyện thú vị là khi làm, thì phải mang theo một số kinh nghiệm nhưng mà cũng phải từ bỏ một số kinh nghiệm khác. Và đấy là một cái đoạn rất căng thẳng bởi vì mình không biết là cái gì sẽ mang được sang vùng đất mới, và cái gì thì phải từ bỏ. Đợt đấy thật ra là có rất nhiều tranh luận nội bộ, và đó là thời kỳ khá là căng thẳng, và cảm giác rất mạo hiểm.”


VNG đã thành công với ứng dụng nhắn tin Zalo với 37 triệu người dùng.

VNG đã thành công với ứng dụng nhắn tin Zalo với 37 triệu người dùng.

 

Theo Khải, sản phẩm Internet, về mặt công nghệ có ba phần chính: lưu trữ dữ liệu, xử lý dữ liệu, và truyền dữ liệu. Khi phát triển Zalo, nhóm của Khải nhận ra rằng có thể mang từ web sang phần lưu trữ và xử lý dữ liệu, nhưng phần truyền dữ liệu trên mobile khác hoàn toàn trên web. Những người làm công nghệ ở Zalo phải chấp nhận bỏ niềm tin kiến trúc của mình về cách truyền dữ liệu trên mạng để chấp nhận cách làm mới. Khải hồi tưởng: “Đó là một kinh nghiệm khá khắc nghiệt.”

Khi lượng người dùng lên tới hàng chục triệu thì thách thức về công nghệ là “cực lớn,” đòi hỏi đội ngũ phải hiểu sâu về máy tính đến từng chi tiết nhỏ. VNG may mắn là có kinh nghiệm này khi làm ZingMe. Là công ty tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam, VNG gần như không lấy được người từ các công ty khác mà phải tự đào tạo, tự học, tự phân tích và tự làm.

Với kinh nghiệm phát triển ZingMe, Khải và đội ngũ của anh lúc đầu nghĩ rằng họ có thể đem kinh nghiệm xây dựng một ứng dụng cho hàng triệu người dùng, và toàn bộ lượng người dùng qua Zalo. Nhưng trong quá trình làm, họ nhận ra rằng tốt hơn là bắt đầu lại từ đầu trên nền tảng mobile. Giống như xây dựng một căn nhà hoàn toàn mới, họ đập đi, làm lại từ đầu, sau một quá trình vật lộn, điều chỉnh. Phiên bản Zalo đầu tiên được ra mắt tháng 8.2012 chưa hoàn chỉnh, phải sửa nhiều lần. Sau đó họ phải bỏ hẳn để làm lại. Cho tới thời điểm cuối 2012 mới là thực sự “ra mắt” của Zalo. Và đó là lúc lượng người dùng bắt đầu tăng nhanh và mạnh.

Một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Zalo là công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc Tencent, có sản phẩm OTT lớn nhất tại Trung Quốc WeChat. Trên thị trường, có những thông tin cho rằng Zalo kế thừa công nghệ của WeChat. Khải phủ định thông tin này. Anh cho biết Tencent là nhà đầu tư tài chính và không can thiệp vào công việc của VNG, và Zalo là sản phẩm 100% do đội ngũ VNG sáng tạo nên. Mặc dù VNG có thể lựa chọn sử dụng license của WeChat để phát triển sản phẩm này ở Việt Nam, họ đã chọn con đường phát triển công nghệ của riêng mình.

Zalo được đưa ra thị trường vào thời điểm các ứng dụng OTT lớn trên thế giới đều tham gia vào thị trường Việt Nam, trong đó, bên cạnh Messenger đi kèm với Facebook được sử dụng phổ biến, còn có Viber (được Rakuten của Nhật mua lại), KakaoTalk (Hàn Quốc), Line (Nhật), WhatsApp (Mỹ - Facebook mua lại). Vào thời điểm Zalo tung ra thị trường, WeChat, KakaoTalk, Line… đều hoặc có đại lý, hoặc mở văn phòng tại Việt Nam và đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động marketing để tăng lượng người dùng tại thị trường này. Khi Zalo trình làng, Viber đã có khá nhiều người dùng, và cũng có những bước đầu tư rất mạnh cho hoạt động tiếp thị trước khi rút văn phòng khỏi Việt Nam hồi tháng 7.2015. Zalo cũng phải thực hiện các chiến dịch quảng bá, tiếp thị để đẩy ứng dụng của mình. “Chúng tôi không có tí kinh nghiệm nào về truyền thông, nên thực ra tất cả những gì chúng tôi làm là học theo đối thủ. Chúng tôi ngồi phân tích xem đối thủ làm gì, và cái gì hay thì học theo họ,” Khải kể.

Cho đến thời điểm này, Zalo dường như đang thắng thế và dẫn đầu về lượng người dùng. KakaoTalk, WeChat, Viber… đã rút văn phòng khỏi Việt Nam. Khi công bố rút văn phòng tại Việt Nam, Viber công bố con số 23 triệu người dùng, trong đó khoảng 4 - 5 triệu người dùng thường xuyên. Facebook cho đến thời điểm này có 30 triệu người dùng tại Việt Nam – Công ty này không công bố số liệu người dùng WhatsApp và Messenger tại Việt Nam. Con số người dùng toàn cầu của họ là 900 triệu. Forbes Việt Nam không có được con số chính thức về số lượng người dùng của các OTT khác như WeChat, KakaoTalk, Line… nhưng khảo sát bỏ túi của chúng tôi cho thấy tỉ lệ người dùng không đáng kể so với những OTT phổ biến nhất như Zalo, Messenger.

Đó là tương quan của Zalo và các OTT ngoại nhập. Còn các OTT nội địa thì sao? Các nhà mạng lớn nhất Việt Nam (và các nhà cung cấp dịch vụ Internet – ISP) như Viettel, Mobifone, Vinaphone… nhìn nhận OTT như một mối đe dọa tới hoạt động kinh doanh của họ. Việc có thể gửi tin nhắn, hình ảnh, dữ liệu, thoại… miễn phí qua các ứng dụng OTT khiến cho người dùng không cần phải dùng tới các dịch vụ của nhà mạng nữa. Theo ông Đào Trung Thành, phó giám đốc công ty MVV Mobile, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực viễn thông, các OTT khiến cho doanh thu của các nhà mạng giảm tới 10%. Vì vậy các nhà mạng cũng tìm cách đối phó bằng các OTT riêng của họ (Xem chart TKTK). Nhưng những OTT này có lượng người dùng rất thấp và có thể coi là “muỗi” so với Zalo. Theo lời ông Thành, “các OTT của nhà mạng cũng chỉ là thêm món thôi, không hấp dẫn người dùng.”

Giờ đây, sở hữu lượng người dùng lớn nhất trên thị trường, liệu Zalo có thể tuyên bố chiến thắng chưa? Khó lòng. Thách thức lớn nhất vẫn ở trước mắt họ: kiếm được tiền từ mỏ người dùng đó. Làm thế nào để thực hiện được điều đó là câu hỏi đáng giá hàng tỉ đô la Mỹ. Không phải vì chưa ai biết cách làm. Mỗi OTT đang tìm cho mình một cách tiếp cận riêng để tạo ra doanh thu. Có ba cách kiếm tiền phổ biến hiện nay. Đơn giản nhất là thu tiền quảng cáo. Một số bán nhạc, game, stickers. Và mức độ cao nhất là biến ứng dụng thành nền tảng thương mại điện tử.

Trong số các OTT có lượng người dùng lớn nhất trên thế giới hiện nay, WeChat của Tencent, ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc, đang đi những bước tiên phong mang tính cách mạng trong việc đưa ứng dụng đi sâu vào mọi mặt sinh hoạt và biến nó thành tiền. Ra đời mới được bốn năm, tính tới tháng 8.2015, WeChat được cho là có 549 triệu người sử dụng thường xuyên (monthly active users - MAUs), theo trang Tech in Asia. WeChat có nhiều tính năng cho phép người sử dụng thực hiện rất nhiều hoạt động khác nhau trên các ứng dụng nằm trong ứng dụng này, từ mua vé xem phim, gọi taxi, tới checkin chuyến bay, trả tiền điện nước, theo dõi các nhân vật nổi tiếng… Mô hình “ứng dụng trong ứng dụng” này đang đem đến thu nhập trung bình trên người sử dụng là bảy đô la Mỹ.

Liệu Zalo có muốn và có thể làm điều mà WeChat đang làm? Những người đứng đầu VNG, trong khi thừa nhận rằng WeChat đang là một ứng dụng rất thành công, tỏ ra ngần ngại đi vào chi tiết những gì mà họ đang hoặc có kế hoạch thực hiện. Thị trường Trung Quốc có mức độ tiếp cận công nghệ cao hơn ở Việt Nam (về số lượng, 1/3 dân số Trung Quốc sử dụng điện thoại thông minh). Khải cho rằng WeChat là một niềm cảm hứng rất lớn, nhưng hiện tại, với mức độ phố biến tin học trong đời sống tại Việt Nam hiện nay, có thể mất 2 - 3 năm nữa mới có thể áp dụng được những gì mà WeChat đang làm ở thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, VNG bước đầu áp dụng việc bán quảng cáo trên ứng dụng Zalo, đi kèm với những dịch vụ nội dung được cho là thế mạnh của họ, như tin tức, trò chơi… Doanh thu từ những hoạt động này chưa đáng kể, đến nay mới đạt khoảng hai triệu đô la Mỹ. Nhìn tổng thể, các hoạt động “không phải là game” của VNG dự tính đem lại doanh thu khoảng 18 triệu đô la Mỹ trong năm nay. Trong khi đó, theo một số thống kê không chính thức, doanh thu của Google tại Việt Nam là 100 triệu đô la Mỹ, và Facebook là 50 triệu đô la Mỹ. Game đến nay vẫn là nguồn thu chính đem lại doanh thu khoảng 100 triệu đô la Mỹ của VNG. Trong khi game trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ, thị phần game nói chung của VNG được các chuyên gia trong ngành cho rằng đang bị thu hẹp lại. Năm qua, doanh thu của họ tuy không giảm, nhưng lợi nhuận thì giảm hẳn, do việc phải đầu tư mạnh vào Zalo.

VÀ NHƯ VẬY, GÁNH NẶNG LỚN ĐANG NẰM TRÊN VAI VƯƠNG QUANG KHẢI, phó tổng giám đốc 36 tuổi, người đã thuyết phục hội đồng quản trị VNG đầu tư vào mobile, và giờ đây chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển sản phẩm này. Khải là một tài năng được biết trong làng công nghệ thông tin Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Câu chuyện đã được báo chí trong nước đề cập là việc ngay từ khi còn là sinh viên của đại học Bách khoa Hà Nội, Khải đã ba lần đánh sập mạng Trí tuệ Việt Nam của FPT, và sau đó được Trương Đình Anh, người sáng lập mạng này, mời về làm việc. Năm 2005, anh đi du học tại đại học Columbia (Mỹ) nhờ tài trợ của quỹ học bổng Việt Nam VEF, vì “muốn biết xem nước Mỹ nó như thế nào.” Khi đi học, Khải chọn cách tiếp cận thực tế thay vì hàn lâm, không theo đuổi học PhD như nhiều bạn bè cùng lứa. Anh tự cho mình là người vừa có máu của dân kỹ thuật, vừa có máu của người làm kinh doanh. Những người biết Khải mô tả anh là người “mơ mộng.” Khải quan tâm đến triết học và đọc nhiều sách về quản trị.


Cả 2 người đều nhìn thấy sức ảnh hưởng rất lớn của Internet vào cuộc sống, và sự thay đổi trong cuộc sống ở Việt Nam.

Cả 2 người đều nhìn thấy sức ảnh hưởng rất lớn của Internet vào cuộc sống, và sự thay đổi trong cuộc sống ở Việt Nam.

Năm 2007, khi về nước, anh được mời tham gia vào VNG. Khải đã chia sẻ nhiều lần với báo chí, rằng anh về VNG vì chia sẻ tầm nhìn với Lê Hồng Minh trong bài viết “Chúng tôi chơi và làm game.” “Anh Minh nói là anh nhìn thấy sức ảnh hưởng rất lớn của Internet vào cuộc sống, và sự thay đổi trong cuộc sống ở Việt Nam… Cả tôi và anh Minh đều dựa trên tinh thần chung ấy, về tầm nhìn của công ty, hoặc là những giá trị cơ bản của công ty, về chuyện Internet sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và vì thế nên tham gia vào cuộc cách mạng ấy.”

Những người biết rõ về Khải cho rằng anh là người “giỏi nhìn ra cơ hội,” và dám dấn thân, đối mặt với thách thức để khai thác cơ hội đó. Tại VNG, slogan của công ty là “đón nhận thách thức” và nhân viên của công ty này cho biết đây trở thành đặc trưng văn hóa của công ty. Các hoạt động xây dựng đội ngũ của VNG thường là những hoạt động có tính thách thức, như leo núi Phanxipăng, hay tham gia cuộc thi ba môn hỗn hợp Ironman. Các phòng họp trong công ty này được đặt tên các ngọn núi cao nhất và những dòng sông lớn nhất thế giới như Everest, Kilimanjaro, Mekong, Amazon. Hằng năm, đội ngũ của Khải tổ chức thi trí tuệ (Thi IQ) và những người đạt kết quả cao có nhiều cơ hội được đưa lên các vị trí quan trọng. Một nhân viên trong công ty kể, Khải giải thích với họ: “Tuyển những thanh niên thông minh, có trí tuệ, có khát vọng. Có thể trình độ bây giờ thì mình còn kém Tây nhiều nhưng mình cố gắng học hỏi và làm ra những sản phẩm không hề thua kém. Nguyên tắc là tìm những người có tiềm năng, cùng nỗ lực phi thường để giành cơ hội.”

Chính vì cảm giác “paranoid” thường trực, nên Khải cho rằng Zalo mới chỉ đang đi những bước đầu tiên của quá trình sáng tạo. Thắng, bại vẫn là câu trả lời của tương lai. Anh tự đặt mình và đội ngũ trước thách thức đó. “Nếu không có thách thức thì mọi người sẽ ỳ ra, chậm lại và không còn động lực để vươn lên nữa. Nếu như chúng tôi bảo có được người dùng rồi là xong, thì ngay lập tức mọi người sẽ lười, mọi người sẽ bán cổ phiếu lấy tiền đi chơi,” anh nói. “Nên tôi thường nói với mọi người, chúng ta mới đi được 10%, 20% quãng đường thôi, chúng ta còn 80% nữa, và ngày mai chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào. Đấy là động lực để mọi người tiến lên rất là nhanh. Và, không phải là mọi người sinh ra đã giỏi, mà cái áp lực tăng trưởng và cơ hội được giao để làm những việc lớn là cái làm cho năng lực mọi người tốt lên.”

Theo Nguyễn Lan Anh

Forbes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm