Siết chặt thuê bao trả trước, thị trường vẫn nhan nhản SIM kích hoạt sẵn
(Dân trí) - SIM kích hoạt sẵn vẫn vô tư bày bán bất chấp những quy định cứng rắn của Bộ TT&TT trong những năm qua. Để hết tin nhắn rác và quản lý tốt, cần có những biện pháp mạnh hơn, ngăn chặn việc bán tràn lan SIM kích hoạt sẵn thay vì chỉ đi bổ sung thông tin cá nhân.
Nhà mạng nhỏ vẫn vô tư bán SIM rác?
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Sau 1 năm, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Đến thời điểm này các nhà mạng vẫn cho biết đang thực hiện bổ sung thông tin cho khách hàng và chỉ thực hiện việc khóa SIM 1 chiều vào ngày 2/6 tới đây. Một nhà mạng lớn cho biết, sau 15 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, khách hàng không bổ sung thông tin theo đúng quy định sẽ thực hiện việc khóa SIM một chiều. Đây là động thái cứng rắn trong việc đẩy lùi thuê bao ảo, tin nhắn rác, tin nhắn spam hoành hành trong thời gian qua.
Mặc dù đã có quy định siết chặt, yêu cầu người dùng bổ sung ảnh chân dung và thông tin thuê bao thì ở trên thị trường, những SIM đã kích hoạt sẵn vô tư bày bán. Những dòng SIM này được xem là nguồn cơn của việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn Spam, gây nhức nhối dư luận.
Dạo quanh một số cửa hàng bán SIM tại quận 1 và quận Bình Thạnh ở TPHCM, nhiều cửa hàng đều có trong tay cả lốc SIM đã kích hoạt sẵn với nhiều tùy chọn giá.
Tại cửa hàng bán di động có tiếng trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM, một nhân viên bán hàng tại đây cho biết, hiện tại giá SIM Vietnamobile rẻ nhất là 40.000 đồng, có ngay 4 GB/mỗi ngày để sử dụng. Đây là dòng SIM rẻ nhất hiện nay và mỗi tháng chỉ cần nạp vào 20.000 đồng.
Lấy từ trong tủ ra, nhân viên này đưa lên cả lốc SIM hàng chục chiếc và cho biết chỉ cần bỏ vào là xài ngay, không cần đăng ký. Khi hỏi về một SIM nhà mạng khác, nhân viên này tiếp tục tư vấn các dòng SIM của MobiFone và Viettel có giá từ 400 ngàn đến 550 ngàn đồng/SIM, sử dụng miễn phí trong 12 tháng với gói Data 4-5 GB/tháng. Tuy vậy, các dòng SIM từ MobiFone và Viettel buộc phải đăng ký chứng minh nhân dân và ảnh chính chủ.
Tại một cửa hàng khác trên đường Vạn Kiếp quận Bình Thạnh, cửa hàng này cũng tiếp tục quảng cáo về SIM Vietnamobile với giá cực rẻ và dùng dung lượng Data thoải mái với gói cước hàng tháng chỉ 20 ngàn đồng. Tất nhiên nguyên lốc SIM mà chủ cửa hàng này mang ra đều sử dụng ngay và không cần phải đăng ký thông tin.
Khi hỏi về các SIM nhà mạng khác, chủ cửa hàng này cũng đưa ra một lốc SIM khác từ MobiFone và cũng cho biết giá 120 ngàn đồng, có 19 GB dùng 3 tháng, không cần nạp tiền, không cần đăng ký SIM. Đối với nhà mạng Viettel hay VinaPhone, cửa hàng này cũng cho biết, giá các SIM này đang cao nên tạm thời không nhập và hiện tại các SIM của nhà mạng lớn bị siết nên thị trường cũng không có nhiều.
Tin nhắn rác liên mạng vẫn gây nhức nhối người dùng
Tại buổi làm việc về quản lý thông tin thuê bao nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác diễn ra vào tháng 4/2018, Cục Viễn thông đã cho biết, sau 10 tháng triển khai (từ tháng 5/2017 đến 2/2018), số tin nhắn rác được chặn trên toàn mạng là khoảng 260 triệu; số lượng tin nhắn rác đã giảm đi đáng kể. Theo thống kê của VNCERT, tổng lượng phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 năm 2017 giảm khoảng 86% so với năm 2016.
Theo đại diện lãnh đạo của VNCERT, từ tháng 5/2017, 5 doanh nghiệp viễn thông lớn đã thống nhất 160.000 mẫu tin nhắn (trước đó chặn riêng lẻ, dẫn đến lỗ hổng là các nhà mạng ném rác sang nhau) và các nhà mạng chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung (riêng GTEL chưa triển khai). Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018; Vinaphone chặn hơn 138,1 triệu năm 2017 và chặn hơn 4,4 triệu trong 3 tháng đầu năm 2018; …
Liên quan đến ngăn chặn liên mạng của các nhà mạng, Viettel từ 5/2017 đến 3/2018 đã chặn hơn 19,3 triệu tin nhắn; Vinaphone hơn 164,2 triệu tin; MobiFone hơn 14,8 triệu tin…
Mặc dù tin nhắn rác giảm nhưng tình trạng liên mạng và nội mạng vẫn còn diễn ra chưa thực sự chấm dứt. Trong một buổi họp giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT trong quý III/2017, Viettel cũng cho biết, trong tháng 9/2017, nhà mạng này đã chặn 5 triệu tin nhắn rác, trong đó nội mạng là 3,4 triệu tin nhắn rác, còn lại là ngoại mạng và chiếm cao nhất là từ mạng Vietnamobile.
Do đó, để thực sự tin nhắn rác hết đường sống, bên cạnh việc hoàn thiện thông tin thuê bao theo đúng Nghị định 49 của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng cần có ngay các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc quản lý nguồn SIM kích hoạt sẵn trên thị trường.
Trước đó, Cục Viễn Thông (Bộ Thông tin truyền thông) cũng cho biết, chiều ngày 8/2, qua kiểm tra đột xuất đã thu hồi được hơn 500 SIM kích hoạt sẵn thuộc nhiều nhà mạng khác nhau. Đáng chú ý, phần lớn SIM thu hồi lần này được rao bán công khai trên Internet và người mua có thể mua yêu cầu số lượng SIM sẽ được đáp ứng ngay lập tức. Qua kiểm tra, Cục Viễn Thông cũng cho biết cũng đã phát hiện tình trạng cho thuê SIM để đăng ký dịch vụ ứng dụng đa phương tiện OTT để phát tán tin nhắn rác.
Cục Viễn Thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải trực tiếp kiểm tra các đại lý để thu hồi các SIM rác còn tồn tại trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc họp tháng 4 vừa qua, mục tiêu là nhằm quản lý cho tốt, ngăn chặn tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, đồng thời quản lý thuê bao chính xác. "Việc ngăn chặn SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn và tăng cường quản lý thông tin thuê bao là vấn đề rất cần thiết, không chỉ đảm bảo chính xác cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng dịch vụ viễn thông".
Gia Hưng