Siết chặt vi phạm bản quyền từ đơn vị cung cấp PC

(Dân trí) - Đó là giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc hạn chế sử dụng phần mềm “chùa”, theo nhận định của Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM. Và các công ty sản xuất, lắp ráp máy tính sẽ dè dặt hơn khi miễn phí mọi chương trình cài đặt cho khách hàng.

Bản quyền phần mềm: Mơ hồ và thiệt hại

 

Bên cạnh những khó khăn do chi phí phần mềm có bản quyền khá cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam thì việc siết chặt vấn đề vi phạm bản quyền cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp, lắp ráp máy tính và đại lý phân phối phần mềm “chính hãng”.

 

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc phụ trách sản phẩm công ty GCC, đại lý phân phối phần mềm Microsoft thì người dùng Việt Nam thậm chí còn chưa biết phần mềm nào có bản quyền và phần mềm nào không có bản quyền, phần mềm nào phải trả tiền và ứng dụng nào dùng miễn phí. Điều này gây khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như kinh doanh phần mềm thương mại.

 

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc công ty Long Vũ, ông Nguyễn Huỳnh Thy Khoa, nhận xét: “Việc tuyên truyền bản quyền phần mềm còn rất mơ hồ và cách làm hiện nay thực sự chưa mang lại hiệu quả. Nếu chú trọng tuyên truyền sử dụng phần mềm có bản quyền như những vấn đề phá giá giày, tôm, cá da trơn thì người dùng sẽ nhận thức tốt hơn, góp phần hạn chế phần nào những vi phạm”.

 

“Để quản lý tốt vấn đề vi phạm bản quyền, bên cạnh việc hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện, nhất thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng”, bà Trần Thị Ngọc Hương, Chánh thanh tra Sở Bưu chính Viễn thông (BCVT) TPHCM, nhận xét. “Ngoài ra, việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm cũng có tác dụng nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả”.

 

Theo Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử lý hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, ngoài phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, tịch thu phương tiện vi phạm thì các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền phần mềm sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người, tổ chức bị thiệt hại theo giá trị thực tế.

 

“Ngoài số tiền bị phạt, doanh nghiệp có thể phải bồi thường thêm gấp 5 lần giá trị phần mềm vi phạm. Thiệt hại đó là rất lớn về mặt vật chất lẫn hình ảnh công ty”, ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở BCVT TPHCM, cho biết: “Tôn trọng bản quyền phần mềm không những là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc kinh doanh mà còn là hình ảnh của quốc gia khi chính phủ đã cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phần mềm”.

 

Siết từ gốc hay ngọn?

 

Hiện tại, thị phần PC thương hiệu Việt chiếm hơn 90% và do đó theo nhận định của ông Minh thì việc mua phần mềm có bản quyền cài đặt ảnh hưởng rất lớn đến thói quen của người sử dụng. Nếu các công ty kinh doanh lắp ráp, cài đặt máy tính sử dụng phần mềm “chính hãng” thì tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giảm đáng kể. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp cung cấp máy tính sẽ được kiểm tra gắt gao hơn.

 

Trong năm 2006, kết quả thanh tra, kiểm tra vi phạm bản quyền phần mềm cho thấy cả nước có 3 doanh nghiệp sử dụng máy tính trong hoạt động sản xuất kinh doanh và 11 doanh nghiệp cung cấp máy tính bị thanh tra có vi phạm bản quyền phần mềm.

 

Theo ông Lê Quang Thành, Giám đốc thương hiệu máy tính CMS thì  việc thanh tra, kiểm tra những đơn vị cung cấp, lắp ráp máy tính sẽ không làm giảm đi tỷ lệ vi phạm bản quyền. Thay vì “ép” nhà sản xuất cài đặt sẵn phần mềm và tăng chi phí bán ra, các cơ quan quản lý nên nhắm đến doanh nghiệp sử dụng máy tính, người sử dụng đầu cuối sẽ đạt hiệu quả hơn.

 

Thế nhưng, từ kinh nghiệm thực tế khi xử lý các doanh nghiệp sử dụng máy tính trong thời gian qua, ông Minh giải thích: “Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng họ không tự cài đặt phần mềm vào máy tính và cũng không biết nhà cung cấp sử dụng phần mềm “lậu” dẫn đến quá trình điều tra thường khó khăn, phức tạp. Chính vì thế, việc siết chặt bản quyền phần mềm ngay từ gốc (các nhà cung cấp) sẽ mang lại hiệu quả hơn”.

 

Cũng theo ông Minh thì các đơn vị cung cấp máy tính khi kinh doanh và tham gia dự án cần xây dựng bảng báo giá với nhiều tuỳ chọn như không phần mềm, có phần mềm, sử dụng phần mềm mã nguồn mở, chi phí đào tạo phần mềm mã nguồn mở… để khách hàng dễ chọn lựa.

 

Phần mềm mã nguồn mở liệu có là giải pháp tốt?

 

Theo các công ty cung cấp, lắp ráp máy tính thì khó khăn lớn nhất khi cài đặt sẵn phần mềm có bản quyền là giá thành PC tăng lên rất cao làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trước đây, một chiếc máy tính với tất cả phần mềm cài sẵn theo yêu cầu của khách chỉ khoảng từ 5 triệu đồng. Hiện tại, nếu thêm vào chi phí bản quyền phần mềm, PC với cấu hình tương tự sẽ có giá tối thiểu cũng 7 triệu đồng.

 

Để giải quyết những khó khăn này, các chuyên gia đề nghị sử dụng phần mềm mã nguồn mở như một giải pháp thay thế bởi nhiều ưu điểm như miễn phí, dễ nâng cấp, không yêu cầu máy tính có cấu hình cao, tương thích với môi trường Linux, Windows cũng như khả năng bảo mật tốt và hạn chế virus.

 

Vừa qua, Phòng Nghiên cứu và ứng dụng thuộc Sở BCVT TPHCM cũng đã giới thiệu 18 phần mềm mã nguồn mở tương đương và có thể thay thế các sản phẩm thương mại, thuộc các nhóm ứng dụng văn phòng, chống virus, đồ hoạ, Internet, truyền thông đa phương tiện.

 

Một số nhà sản xuất máy tính trong nước như CMS, VTB cũng đã nghiên cứu và triển khai các phần mềm mã nguồn mở. Thế nhưng, việc ứng dụng lại không thành công bởi hầu hết khách hàng đã gỡ bỏ ngay phần mềm này và cài đặt lại máy.

 

“Phát triển phần mềm mã nguồn mở trong doanh nghiệp thực tế chỉ mang tính đối phó, còn không mang lại hiệu quả thực sự”, đại diện của CMS rút kinh nghiệm. “Để phần mềm này “sống” lâu dài cần phải có sự tuyên truyền rộng rãi, bên cạnh các lớp đào tạo sử dụng”.

 

Ý kiến trên được hầu hết các doanh nghiệp đồng tình và theo ông Minh thì Sở BCVT TPHCM sẽ phối hợp cùng các trường đại học, trung tâm tin học đào tạo các lớp sử dụng phần mềm nguồn mở. Đội ngũ học viên nòng cốt này sẽ tiếp tục nhân rộng và phổ biến cách thức sử dụng. Hi vọng phần mềm mã nguồn mở sẽ phát triển hơn tại Việt Nam và không còn là vật “phòng thân” như một hình thức thuê mượn mũ bảo hiểm để qua chốt giao thông an toàn rồi trả lại.

 

Ngọc Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm