Sẽ tăng mức phạt với người phát tán tin giả trên mạng xã hội
(Dân trí) - Bộ trưởng cho biết hiện nay mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội vẫn chưa rõ.
Tại phiên trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội vào ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay đã có quy định phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để "bóc phốt", nói xấu nhau và phát tán thông tin sai sự thật.
"Mức phạt này tại Việt Nam là cao, nhưng so với các nước vẫn còn thấp. Sắp tới, sẽ phải tăng mức phạt các hành vi này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết hiện nay mới chỉ phạt người sử dụng mạng xã hội nói xấu người khác, còn trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội vẫn chưa rõ.
"Các quốc gia khác phạt rất nặng, thậm chí lên tới cả triệu USD. Họ quy định cả trách nhiệm của nhà mạng và mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội có thể phải đi tù theo pháp luật Singapore", Bộ trưởng dẫn chứng và cho biết tới đây sẽ tính toán quy định xử lý nhà mạng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh luật pháp phải mang tính răn đe, xử lý nghiêm minh.
Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube, Facebook hay TikTok cũng kéo theo vấn nạn tin giả, tin sai sự thật bùng nổ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiễu loạn, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Về những giải pháp mới, theo Bộ trưởng là phải hoàn thiện thể chế.
"Trước đây, chúng ta mới chỉ có quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật. Trong nghị định mới, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho hay, phần lớn trách nhiệm thuộc về các nền tảng mạng xã hội. Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng và có hàng trăm triệu, hàng tỷ người dùng. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.
Hiện nay, Bộ tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai, tin xấu độc sẽ có nơi để phản ánh. Bộ đã thành lập và vận hành Trung tâm Chống tin giả quốc gia. Các địa phương cũng bắt đầu hình thành các trung tâm này.