1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Sắp có tuyến cáp quang biển mới chạy qua Việt Nam và khu vực ĐNA

(Dân trí) - Việc bổ sung các tuyến cáp mới sẽ giúp tăng băng thông, đồng thời giảm bớt tình trạng nghẽn mạng khi gặp sự cố đứt cáp.

Sắp có tuyến cáp quang biển mới chạy qua Việt Nam và khu vực ĐNA - 1

Sơ đồ tuyến cáp quang biển mới dài 9.400km đi qua bãi biển Quy Nhơn, Việt Nam.

Hiệp hội Cáp trực tiếp châu Á (ADC) mới đây đã chấp thuận NEC làm nhà phát triển chính để xây dựng tuyến cáp quang biển mới, dài 9.400 km, dự kiến đi qua các quốc gia gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam (cập bến ở Quy Nhơn), Philippines, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tuyến cáp dự kiến hoàn thành vào quý 4/2022, có băng thông lên tới 140 Tb/giây, truyền dẫn dữ liệu từ khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Các thành viên đứng sau Hiệp hội ADC bao gồm: Singtel, CAT, China Telecom, China Unicom, PLDT, SoftBank, Tata Communications và Viettel.

Để so sánh, băng thông 140 Tb/giây của tuyến cáp ADC lớn hơn rất nhiều so với các tuyến cáp sẵn có như AAG (2.88 Tb/giây), AAE-1 (40 Tb/giây), APG (54 Tb/giây).

Sắp có tuyến cáp quang biển mới chạy qua Việt Nam và khu vực ĐNA - 2

Việc bổ sung các tuyến cáp mới sẽ giúp tăng băng thông, đồng thời giảm bớt tình trạng nghẽn mạng khi một vài tuyến cáp gặp sự cố.

Hệ thống được cho là sẽ mang đến năng lực cáp cao nhất và sự đa dạng cần thiết cho các trung tâm thông tin chính của châu Á, giúp nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ lên kế hoạch mạng lưới, dịch vụ tốt hơn để phát triển bền vững.

Dung lượng lớn của tuyến cáp sẽ hỗ trợ đặc biệt cho các ứng dụng "ngốn" băng thông như công nghệ 5G, đám mây, vạn vật kết nối (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, NEC cũng được giao xây dựng tuyến cáp Southeast Asia Japan 2 (SJC2) có tổng dung lượng băng thông 144 Tb/giây, có thời gian dự kiến hoàn thành là cuối năm 2021.

Đây là tuyến cáp biển có chiều dài 10.500km, với 11 điểm cập bờ tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số điểm tại Đài Loan, Nhật Bản.

Nguyễn Nguyễn