Sao Khuê 2018 vinh danh 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc

(Dân trí) - Lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) diễn ra vào sáng nay (21/4) đã vinh danh 73 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp phần mềm, CNTT xuất sắc của Việt Nam.

Sao Khuê 2018 vinh danh và trao giải cho 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc
Sao Khuê 2018 vinh danh và trao giải cho 73 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định Lễ trao giải Danh hiệu Sao Khuê 2018 là sự kiện rất có ý nghĩa với cộng đồng CNTT của cả nước, đồng thời đánh giá cao vai trò và đóng góp của VINASA, cũng như cộng đồng doanh nghiệp CNTT cả nước cho sự phát triển của ngành CNTT trong thời gian vừa qua.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến của VINASA trong việc bổ sung hạng mục sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT tiêu biểu trong xu hướng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong chương trình Danh hiệu Sao Khuê năm nay, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Có thể nói, Danh hiệu Sao Khuê đã thực sự tạo ra một sân chơi bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào xây dựng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam, giới thiệu tới thị trường khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng phát biểu.

Theo VINASA, chương trình Sao Khuê được VINASA được tổ chức lần đầu vào năm 2003 khi ngành CNTT còn rất non trẻ, doanh thu chỉ xấp xỉ 62 triệu USD với khoảng 5.000 kỹ sư. Đến nay ngành phần mềm và dịch vụ đã có doanh thu trên 8,8 tỉ USD và hơn 200.000 kỹ sư đang làm việc. Tăng trưởng doanh thu đã gấp hơn 1000 lần, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ năm 2016 đạt 3,052 tỉ USD. Các sản phẩm, giải pháp phần mềm, CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các cơ quan, ngành kinh tế, góp phần vào sự phát triển, làm thay đổi lối sống, cách làm việc của từng con người và toàn xã hội.

Trải qua 15 năm, giải thưởng và danh hiệu Sao Khuê đã đồng hành cùng sự lớn mạnh của VINASA, sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp và của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Chương trình Sao khuê đã liên tục đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường và trở thành biểu tượng uy tín của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong các hoạt động quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đồng thời giúp định hướng người sử dụng trong lựa chọn các sản phẩm phần mềm, dịch vụ CNTT phù hợp nhất.

Theo Ban tổ chức, Sao Khuê 2018 đã nhận được 103 đề cử từ 80 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc. Bắt đầu từ tháng 1/2018, sau 3 tháng triển khai và tổ chức, trải qua nhiều vòng đánh giá khắt khe của Hội đồng Giám khảo, kết quả đã có 73 sản phẩm tiêu biểu bao gồm phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc nhất được lựa chọn để trao danh hiệu.

Với thông điệp ưu tiên những sản phẩm, giải pháp và dịch vụ công nghệ nghiên cứu, ứng dụng và triển khai những xu hướng công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), tự động hóa quy trình robot (Robotic Process Automation – RPA), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR), (thực tế tăng cường) AR, công nghệ in 3D…, Sao Khuê 2018 đã ghi nhận sự đầu tư nghiên cứu, phát triển và những sáng tạo vượt trội.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho hay: "Năm nay, ban tổ chức đưa thêm chủ đề mới trong ứng dụng cho cuộc Cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn". Qua đó, ông cũng bày tỏ niềm tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ là trung tâm của cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam và trên thế giới.

"Giờ đây chúng ta đã biết chúng ta cần làm gì, và làm như thế nào để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và có thể có được một vị trí xứng đáng trên thế giới", ông Trương Gia Bình cho biết.

10 sản phẩm, dịch vụ CNTT xuất sắc lọt vào top 10 Sao Khuê năm 2018 bao gồm: Chương trình ngân hàng điện tử BIDV iBank của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Xuất khẩu dịch vụ Chuyển đổi số của Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software); Hệ thống phần mềm Bệnh án và Hồ sơ sức khỏe điện tử ISOFHCARE của Công ty CP Công nghệ ISOFH; Dịch vụ giải pháp Banking của Công ty Giải pháp và Nguồn lực Công nghệ ITSOL; Sàn kết nối tài chính Tima của Công ty CP Tập đoàn TIMA; Tổng đài chuyển mạch di động của Trung tâm nghiên cứu công nghệ mạng Viettel; Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội; Hệ thống quản lý giám sát mạng viễn thông phiên bản 4.0 của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel; Giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds của Công ty CNTT VNPT – Tập đoàn VNPT; Trợ lý ảo thông minh Viettel của Trung tâm CNTTT – Tổng Công ty Viễn thông Viettel; Hệ thống phần mềm lưu trữ, phân loại, xử lý, truyền tải tín hiệu truyền hình và thông tin điện tử của Công ty TNHH một thành viên Viễn thông số VTC.

Nguyễn Nguyễn