Săn "dế" độc

"Mai đi chơi khỏi mang máy ảnh nha. Tui có đồ chơi độc rồi" - anh Đ.A dặn. Tất cả cảnh sinh hoạt của nhóm tại một hồ câu ở quận 9 đều được ghi lại bằng điện thoại. "Vô tư in ra nha, máy này camera tới 5 chấm lận" - chủ nhân máy nói.

Hàng độc mà anh Đ.A nhắc đến là điện thoại Samsung AnyCall SCH-S250. Con này hồi trước vốn là kỷ lục, với độ phân giải 5 Megapixel, nhưng sau đó, bị đàn em qua mặt với độ phân giải 7 Megapixel.

Chú dế nặng... 5 chấm

A. cho biết, chú dế nặng... 7 chấm kia khoảng đầu tháng 9 sẽ có mặt ở Việt Nam. Tuy là hàng đặt hàng, nhưng Đ.A cho biết, nơi bán bảo hành sáu tháng.

Nhìn bề ngoài, chú dế S250 khá to. Thiết kế của máy theo kiểu nắp trượt bán phần. Khi đẩy lên, chỉ hiển thị hết màn hình, còn bàn phím để lộ bên ngoài. Màn hình loại TFT có khả năng hiển thị 16 triệu màu. Hiện nay, thị trường Việt Nam chỉ có dòng VS của Panasonic có khả năng này.

Phong cách thiết kế của S250 cũng theo kiểu hai mặt tiền, một mặt là điện thoại, mặt kia là máy ảnh. Trong đó, thiết kế mặt máy ảnh hoàn toàn giống với máy ảnh số của Samsung. Khi đẩy nắp trượt lên, để lộ ống kính ở mặt sau. Ngoài đèn trợ sáng bố trí dưới ống kính, nút chức năng cho phép người dùng đặt ở chế độ chụp cận cảnh, chân dung hay phong cảnh. 

Thử nghiệm gọi điện thoại trên mạng CDMA của S-Fone, tiếng nghe rất rõ, trong. Bộ nhớ trong tới 90MB cho phép lưu trữ khá nhiều dữ liệu, cũng như các bài nhạc nén. Nghe nhạc nén qua tai nghe của máy khá hay.

Tuy nhiên, cũng như các máy khác của Samsung, phần mềm trên S250 vẫn không được thông minh cho lắm. Sau khi chụp hình xong, bạn chỉ được lưu trong máy hoặc trong thẻ nhớ RS-MMC, gửi hình lên mạng hay qua tin nhắn MMS, chứ không thể gửi qua hồng ngoại, dù máy có cổng hồng ngoại. Giao tiếp với máy tính khá thuận tiện nhờ cáp nối USB.

Năm chấm "chọi" bốn chấm

Một số người trong nhóm vẫn thắc mắc, liệu chú dế 5 chấm này có thay thế được máy ảnh số không? Chúng tôi thử chụp trong cùng điều kiện bằng S250 và Olympus C750 "bốn chấm". S250 có 6 chế độ chọn độ phân giải, nhưng chúng tôi chọn độ phân giải cao nhất là 2560 x 1920 pixel. Các chế độ khác đặt ở Auto.

Nếu so sánh về thông số, S250 có một số điểm vượt trội như độ bắt sáng (ISO) từ 100 đến 800, trong khi C750 chỉ có từ 100 đến 400. Người dùng có thể chụp và  sửa ảnh ngay trên điện thoại. Các chế độ khác như hiệu ứng (âm bản chẳng hạn), lấy cân bằng trắng tự động hay theo môi trường đều có trên cả hai máy. Tốc độ lưu ảnh trên thực tế của S250 là 5 giây, trong khi ở C750 là 1 giây, dù dung lượng ảnh xấp xỉ 800K. Chế độ chụp cận nhất của S250 là 10cm, trong khi của C750 là 6cm mà vẫn bảo đảm độ nét.

Nếu chụp trong phòng khi đặt chế độ tự động cân bằng trắng, ảnh của S250 tuy rõ, nhưng bị dư vàng. Bạn phải chuyển sang chế độ cân bằng trắng trong điều kiện ánh sáng đèn huỳnh quang. Trong khi đó, ảnh từ C750 cho màu trung thực. Khả năng zoom của S250 không được tốt.

Chụp ngoài trời, trong điều kiện thời tiết tốt, chất lượng ảnh từ máy có thể tạm xem là tương đương. Anh Đ.A cho biết, nhiều người thích xài máy độc không phải là vì chơi trội. Anh nói: " Họ thật sự đam mê hi-tech. Khi nghe có công nghệ mới là tìm mua".

Theo Sài Gòn tiếp thị