Samsung trông cậy vào OLED

Hãng điện tử Samsung vẫn đang xúc tiến phát triển một loạt chip nhớ mới đồng thời cải tiến màn hình OLED theo hướng mảnh mai hơn. Hy vọng thập kỷ mới hãng này sẽ tiếp tục giữ vững vị trí thống soái trong thị trường DRAM và thiết bị hiển thị truyền thông.

Samsung, nhà sản xuất chip nhớ và màn hình tinh thể lỏng (LCD) lớn nhất toàn cầu đã đặt cược tương lai của mình vào việc phát triển RAM từ (magnetic RAM) thế hệ mới, các chip cho RAM ferroelectric và màn hình OLED mỏng như giấy.

Không như các RAM động (DRAM), RAM từ cho phép lưu dữ liệu cả khi mất nguồn và cho phép hỗ trợ tính toán nhanh hơn trong khi đó các chip RAM ferroelectric cho tốc độ xử lý dữ liệu nhanh hơn bộ nhớ flash và tiêu tốn ít điện năng hơn.

Cả hai công nghệ chế tạo bộ nhớ trong này đang được chờ đợi được ứng dụng vào các thẻ nhớ thông minh trong các máy điện thoại cầm tay cao cấp.

"Có một nỗi trăn trở khôn nguôi trong công cuộc nghiên cứu tìm tòi chip nhớ hoàn hảo là làm sao tạo ra loại RAM có thể nhớ được dữ liệu sau khi mất nguồn, tiêu thụ ít năng lượng và cho tốc độ xử lý nhanh. Samsung hứa hẹn sẽ sớm cho bạn câu trả lời trong tương lai gần", ông Peter Yu, một nhà phân tích cho biết.

Rival Hynix Semiconductor và Micron Technology (Mỹ) hiện là hai nhà sản xuất DRAM lớn thứ hai và thứ ba toàn cầu sau Samsung.

Một người phát ngôn của Samsung cho biết, năm nay Samsung đã trích ra khoảng 9% lợi nhuận ước tính của năm, tức là 5,25 tỷ USD vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ, tăng thêm 0,58 tỷ USD so với năm ngoái. 

Bên cạnh việc phát triển RAM, hãng này cũng đang hướng tầm ngắm đến một loại màn hình mới là OLED và công nghệ vẫn nằm trong giai đoạn đầu phát triển. Không như công nghệ LCD truyền thống, OLED hứa hẹn có thể đạt được độ mỏng như giấy, linh hoạt hơn và “ngốn” ít điện năng hơn. Các nhà phân tích ước tính chi phí chế tạo màn hình OLED thấp hơn khoảng 20-50% so với LCD.

Tuy vậy, Samsung vẫn không lơ là LCD - công nghệ đã đưa hãng lên vị trí ngày nay. Về lĩnh vực chế tạo màn hình và tivi LCD, Samsung hiện có các đối thủ tầm cỡ trong khu vực là LG Philips LCD và hãng đến từ Đài Loan, AU Optronics. Chỉ riêng liên doanh LG Philips cũng dành ra 3% trong gần 7,8 tỷ USD lợi nhuận hàng năm vào nghiên cứu và phát triển.

OLED hiện được chia ra làm hai loại: OLED thụ động và OLED chủ động hay linh hoạt. OLED thụ động dành cho các màn hình nhỏ như màn hình phụ của điện thoại di động, màn hình máy nghe nhạc, xem video cầm tay… Còn OLED “linh hoạt” được hứa hẹn sử dụng trong thông tin cao cấp và độ nét cao, ý tưởng cho hiển thị video và đồ hoạ như laptop và desktop PC. Tuy nhiên, hiện tại tuổi thọ của màn hình công nghệ này còn khá ngắn và vì vậy cho đến nay chưa có sản phẩm thương mại nào thuộc loại OLED linh hoạt.

Trong khoảng 3-4 năm tới, có thể Samsung sẽ vẫn chỉ "sống" nhờ vào chip nhớ, màn hình LCD và điện thoại di động, nhưng 5-10 năm nữa, hãng này sẽ trông cậy vào những thành quả từ việc rót nặng vốn vào nghiên cứu và phát triển thiết bị bán dẫn và màn hình OLED của ngày nay.

Theo Số hóa