“Rồng bay” khổng lồ từng thống trị bầu trời 90 triệu năm trước

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy loài bò sát bay khổng lồ với sải cánh dài lên đến 12 mét đã từng cai trị bầu trời 90 triệu năm về trước. Những sinh vật bay cổ xưa này có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kỷ Phấn trắng

Loài bò sát bay khổng lồ thuộc họ Azhdarchidae từng được gọi là “rồng bay” do kích cỡ “khổng lồ” và tên gọi của loài bò sát này bắt nguồn từ chữ “azdarha”, có nghĩa là “rồng” trong tiếng Ba tư. Mặc dù có kích thước lớn nhưng loài bò sát bay này lại không có răng.

Hình dáng đặc trưng của loài Azhdarchidae đó là đôi chân dài và một chiếc cổ rất dài. Những con trưởng thành có chiều dài sải cánh lên đến 12 mét.

Hình vẽ minh họa loài thằn lằn bay khổng lồ Azhdarchidae
Hình vẽ minh họa loài thằn lằn bay khổng lồ Azhdarchidae

Những hóa thạch từng được phát hiện cho thấy thằn lằn bay có thể là động vật có xương sống đầu tiên bay lượn được trên bầu trời, xuất hiện lầu đầu tiên khoảng 220 triệu năm trước.  Trong khi đó những nghiên cứu mới đây cho thấy loài Azhdarchidae đã từng thống trị bầu trời từ cuối thời kỷ kỷ Phấn trắng (khoảng 90 triệu năm trước) cho đến khi sự kiện tuyệt chủng diễn ra giết chết một số loài khủng long xảy ra vào khoảng 66 triệu năm trước.

“Thay đổi về sự thống trị giữa loài thằn lằn bay có răng đến loài thằn lằn bay không răng dường như đã phản ánh một số thay đổi cơ bản trong hệ sinh thái kỷ Phấn trắng, mà chúng tôi vẫn chưa thể hiểu rõ được”, Alexander Averianov, thuộc Viện khoa học Nga, tác giả của nghiên cứu mới nhất về loài Azhdarchidae cho biết.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy thằn lằn bay có khả năng sống trong nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên nghiên cứu mới của Averianov, dựa trên những phân tích hóa thạch cho thấy phần lớn loài thằn lằn bay, bao gồm cả Azhdarchidae chủ yếu sống ở gần hồ, sông và dọc theo bờ biển.

Hiện các nhà khoa học nắm bắt rất ít thông tin về loài thằn lằn bay vì các hóa thạch của chúng thường không đầy đủ và Azhdarchidae cũng không là ngoại lệ. Các nhà khoa học cho biết thằn lằn bay không phải là khủng long và có khung xương mỏng manh hơn so với các loài khủng long khác, do vậy rất khó tìm được hóa thạch xương của loài thằn lằn bay và chúng thường bị phân tán và rất khó để tìm kiếm nguyên bộ.

“Azhdarchidae hiện được xem như một cơn ác mộng thực sự cho các nhà phân loại thằn lằn bay”, Averianov cho biết thêm.

Nghiên cứu của Averianov được xuất bản trên tạp chí về sinh vật học ZooKeys

T.Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm