"Rất thích Việt Nam nhưng vì sao Google chưa có văn phòng ở Việt Nam?"

(Dân trí) - Tại Diễn đàn về Khởi nghiệp sáng tạo: ASEAN 4.0, một nữ sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi đến Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Google sau khi vị này chia sẻ rằng: "Tôi rất thích đến Việt Nam".

Các diễn giả tại Diễn đàn về khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018.
Các diễn giả tại Diễn đàn về khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018.

"Ông nói rằng ông thích Việt Nam, vậy tại sao Google chưa có văn phòng tại Hà Nội? Chúng tôi cũng có rất nhiều tài năng, không kém bất cứ quốc gia nào. Tôi đảm bảo với ông điều này", nữ sinh này đặt câu hỏi.

Câu hỏi của nữ sinh viên khiến các diễn giả và nhiều khán giả thích thú, thậm chí Bộ trưởng trẻ nhất Malaysia Yed Saddiq Abdul Rahman bật cười tán thưởng.

Trả lời câu hỏi này, ông Rajan Anandan khẳng định Việt Nam là quốc gia vô cùng quan trọng với lượng người dùng Internet rất lớn, lên tới hơn 50 triệu người. Đây cũng là một nền kinh tế năng động với lượng người dùng Internet nhiều hơn nhiều nước khác.

"Chiến lược của Google là tập trung vào từng quốc gia để đảm bảo các sản phẩm luôn tốt, dù nhỏ nhất. Chúng tôi cũng muốn đảm bảo giải quyết được các rào cản trong việc công dân truy nhập được vào mạng. Sau cùng mới là bước có mặt tại hiện trường", ông Rajan nói.

Đại diện Google cũng tiết lộ, phía Google đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam về các chính sách liên quan và hiện còn một số vấn đề cần giải quyết.

Khẳng định "bản thân tôi rất phấn khích", đại diện Google cũng từ chối tiết lộ chính xác thời điểm nào sẽ có thể mở văn phòng tại Việt Nam.

"Điều quan trọng là các bạn trẻ Việt Nam hãy tự làm việc cho mình, làm thế nào để khai thác các nguồn lực từ nền tảng Google, thậm chí có thể trở thành một Google tiếp theo", ông nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận, ông Rajan Anandan cũng chia sẻ: "Tôi rất thích đến Việt Nam, có thể thấy Việt Nam là quốc gia có tinh thần kinh doanh tốt, tất cả những doanh nghiệp tôi gặp đều rất hăng hái nói về cách mạng công nghiệp 4.0".

Nói về khu vực ASEAN, Rajan Ananda cho hay, 10 quốc gia tổ hợp lại tạo thành một nền kinh tế số có quy mô lớn và còn nhiều tiềm năng, thậm chí còn có thể tăng trưởng khoảng 5 lần nữa. "Chúng ta cần phải có luồng dữ liệu chảy giữa các quốc gia, hệ thống thanh toán giữa các quốc gia. Làm thế nào để đảm bảo con người chiến thắng máy móc", ông nhấn mạnh.

Đại diện Google cũng cho hay, các công ty như Google tập trung tạo kĩ năng từ sinh viên cho đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ vào vừa là khu vực quan trọng, có thể coi là "xương sống" của ASEAN khi chiếm tới 50% GDP của khu vực và tạo ra 80% việc làm.

"Chúng ta hãy nghĩ tới việc làm thế nào để ASEAN nắm bắt được toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực kinh tế số? Và giải pháp là phải tạo kĩ năng khai thác kinh tế số cho khu vực này", ông Anandan nói và thông báo Google cam kết đến năm 2020 sẽ đào tạo kỹ năng cho 3 triệu chủ sở hữu và nhân viên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đảm bảo họ có thể chuẩn bị tốt nhất để bước vào 4.0.

Phương Dung