“Ra riêng”, MobiFone không phải gánh khó khăn từ VNPT?

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT với phương án tách MobiFone ra để hoạt động độc lập. Tuy nhiên, thông tin mới nhất chưa cho biết liệu MobiFone có phải “đi” kèm với một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn của VNPT.

MobiFone đã chính thức được đồng ý tách khỏi VNPT.
MobiFone đã chính thức được đồng ý tách khỏi VNPT.
Theo đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều qua, 1/4/2014, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý với đề xuất của Bộ TT&TT, tách phần viễn thông di động để chuẩn bị cổ phần hoá theo đúng lộ trình.

Tham dự tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng cho biết, Thủ tướng chính phủ đã chủ trì và thông qua đề án tái cơ cấu VNPT, và quyết định tách MobiFone ra khỏi tập đoàn này, trực thuộc Bộ TT&TT. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định 99 về đại diện chủ sở hữu đối với công ty điện toán di động MobiFone.

Tuy nhiên, trong buổi họp báo, Bộ TT&TT chưa cho biết Chính phủ đã quyết định chỉ tách MobiFone ra khỏi tập đoàn này và hoạt động độc lập hay sẽ phải tách cùng với một loạt công ty thành viên hoạt động yếu kém của VNPT như trong đề xuất của VNPT và Bộ TT&TT trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đề xuất trước đó, MobiFone sẽ tiếp quản Hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 và Công ty tài chính Bưu điện, cùng một số doanh nghiệp mà VNPT có tham gia góp vốn cũng sẽ được chuyển về Mobifone để thực hiện thoái vốn theo quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp trong số này có SACOM, SPT, Vinacap, VNPT Epay, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2….

Bộ trưởng cho biết Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương thực hiện cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình. Trong khi đó, VNPT sẽ tổ chức phần còn lại của mình. “Như vậy trong thời gian tới sẽ hình thành thị trường viễn thông có 6 nhà mạng nhưng sẽ có ít nhất 3 nhà mạng trụ cột theo đúng quy hoạch thị tường viễn thông của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tạo ra thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

Đại diện Bộ TT&TT cho biết trong thời gian tới sẽ có những quyết định cụ thể được công khai trước dư luận.

Trước đó, trong các câu chuyện bàn về tái cơ cấu VNPT, Tiến Sĩ Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ TT&TT, cho rằng việc cổ phần hóa MobiFone đã có chủ trương từ năm 7-8 năm trước nhưng VNPT đã quá chậm chạp và đã không làm cho tới bây giờ.

Theo ông Trực, VNPT không muốn tách MobiFone ra vì tách ra là 1 thiệt thòi của tập đoàn này. Đấy là công sức của VNPT, vạn bất đắc dĩ mới tách ra. “Nếu tách thì VNPT sẽ khó khăn. Đó là thực tế. Lỗi này cũng là của VNPT”, ông Trực nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trực phân tích, nếu cổ phần hóa VNPT từ 2006 theo chủ trương của Thủ tướng thì có thể VNPT vẫn chiếm được 80% cổ phần của MobiFone chứ không phải như bây giờ Tập đoàn này phải chia đôi và cạnh tranh với nhau.

“VNPT không nên chờ Chính phủ ép mà nên tái cấu trúc từ những năm trước thì tập trung vào 1 VinaPhone để phát triển mạnh, rút 25% cổ phần trong MobiFone thì vẫn tốt. Quá trình cổ phần hóa MobiFone như vậy thì sẽ phát triển lành mạnh hơn”.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng VNPT đã để mãi không cổ phần hóa do nhiều lý do, trong đó chủ yếu do nội tại VNPT, có thể thêm 1 số lý do về kinh tế, giá,… Đến thời điểm này khi bắt buộc VNPT phải tách MobiFone thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ít nhất 1 vài năm đầu vì MobiFone đang chiếm 50 - 60% lợi nhuận VNPT. Do đó, VNPT sẽ có những khó khăn trong hoạt động ít nhất là 1 - 2 năm đầu.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ngành viễn thông - CNTT Việt Nam đang ở thời khắc cực kỳ quan trọng. Tái cơ cấu thị trường và DN viễn thông không chỉ bắt buộc mà còn sống còn với sự phát triển đất nước về dài hạn. Ông Thành phân tích việc cổ phần hóa MobiFone sẽ giúp công ty này có công nghệ tốt, sẽ tạo áp lực cạnh tranh cho 2 DN còn lại là VinaPhone và Viettel. Ông Thành cho rằng nên cổ phần hóa MobiFone với đối tác chiến lược có năng lực, công nghệ để tạo áp lực cạnh tranh.

 Khôi Linh