Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giới CNTT nên thay đổi!

(Dân trí) - “Những việc khác chúng ta có thể làm chậm lại, nhưng CNTT với tốc độ phát triển như hiện nay thì nếu chúng ta nhỡ 1 ngày, 1 tuần thì sẽ chậm hơn người khác đến 1 năm. Giới CNTT Việt Nam nên thay đổi!”.

Nhỡ 1 ngày sẽ chậm hơn người khác 1 năm

Tại Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2015 - ICT Summit 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận ngành CNTT Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá và những người làm công nghệ đã có khí thế hơn, trong đó đã có những sản phẩm, ứng dụng được cả thế giới công nhận.

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Đam cũng cho rằng theo thống kê mới nhất, Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực CNTT. “Cụ thể, ngành CNTT trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16%. Việt Nam đứng trong Top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới. Trong lĩnh vực thuê ngoài, Việt Nam còn đứng đầu thế giới, chưa kể một loạt hiện tượng những cá nhân, doanh nghiệp trẻ, các start-up mới không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài, có những sản phẩm được cả thế giới thừa nhận”, 

“Tuy nhiên, trong niềm vui ấy tôi vẫn có sự thôi thúc rằng phải chăng anh em ta có thể làm tốt hơn”. Phó Thủ tướng nêu một trong những con số được công bố khiến tất cả anh em quan tâm là bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Số liệu thống kê từ giữa 2013 trở về trước và công bố vào 2014 cho biết thứ hạng của Việt Nam tụt 19 bậc (đứng thứ 99).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được biết đến là người đã gắn bó với lĩnh vực CNTT từ nhiều năm nay, và hiện tại Phó Thủ tướng đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Hiểu được hiện trạng của ngành CNTT trong nước, Phó Thủ tướng đã đặt ra một yêu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam. “Các DN CNTT nên thay đổi!”.

Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã đưa ra các quy định về thuê ngoài dịch vụ CNTT, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân như y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông, thuế… Tinh thần của Chính phủ là mạnh mẽ đổi mới, các tiêu chí là minh bạch, cụ thể, và có lộ trình mang tính bắt buộc.

“Chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, từ Đảng, Nhà nước, các chiến lược cụ thể. Nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện nó như thế nào. Tôi cho rằng, bám sát các tiêu chí trên, chúng ta sẽ có các bước đi cụ thể”.

“Bây giờ cung cấp dịch vụ thì các bạn không chỉ thu lợi một lần mà sẽ theo đuổi rất lâu dài. Bây giờ các bạn không phải chờ mời thầu mới đến, mà chúng ta phải biết những dịch vụ chúng ta có thể cung cấp đc thì phải chào hàng. Hãy nói với các cơ quan nhà nước là chúng tôi có thể làm được dịch vụ này”, Phó Thủ tướng khuyến khích.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ chẳng hạn như bảo hiểm y tế đang chi trả tới 50.000 tỷ đồng/năm. Việc không ứng dụng CNTT có thể để xảy ra thất thoát, và nếu chỉ cần một vài phần trăm số liệu không minh bạch thì số tiền này sẽ lên tới bao nhiêu? Bộ Xây dựng cũng đang muốn thiết lập hệ thống cấp giấy phép xây dựng qua mạng trên toàn quốc để khắc phục các khó khăn và bất cập trong việc cấp giấy phép.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện ICT Summit 2015.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện ICT Summit 2015.

Vấn đề mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các DN thực hiện đó là cần phải làm nhanh lên, chạy đua. “Gần đây tôi có cơ hội được quan sát 1 số nhà tu hành ở 1 số tôn giáo khác nhau, họ rất chậm rãi, bình thản, không vội vàng, không nhanh. Nếu quan sát kỹ từng động tác rất chậm rãi, không hấp tấp nhưng không làm 1 động tác thừa nào cả - khi được hỏi, họ nói rằng từ khi bước vào tu hành chỉ nguyện theo mục đích ấy, chỉ để tốc độ đạt tới mục đích, không phải tốc độ của từng công đoạn, hãy đặt tiến độ, tốc độ vào việc thuê dịch vụ, từng bước 1 phải thật bài bản, chắc chắn”.

Hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam tầm cỡ khu vực và thế giới

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng tại nước ta, trong thời gian vừa qua, sự phát triển CNTT đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Công nghiệp CNTT luôn duy trì là ngành kinh tế kỹ thuật đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Trong năm 2014 vừa qua, tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 27 tỷ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ.

Ứng dụng CNTT tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh, có tác động rõ nét đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội đất nước. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, trong thời gian qua việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam còn có một số bất cập do Hệ thống thông tin và quản lý dữ liệu của các ngành chưa đồng bộ, chưa có sự liên thông nhịp nhàng dẫn tới việc đầu tư còn chồng chéo, chưa phát huy hết hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho ứng dụng, phát triển CNTT còn khiêm tốn. Cơ chế, chính sách đầu tư còn cần hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai, ứng dụng CNTT.

Một điều khiến Bộ trưởng lo ngại đó là chất lượng và số lượng nhân lực trong lĩnh vực CNTT mặc dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong tình hình mới.

Người đứng đầu lĩnh vực CNTT cũng thừa nhận khả năng ứng dụng CNTT vào quản trị cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội,…

Trong khi đó, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT chủ yếu vẫn chưa có tính đột phá, chưa đóng vai trò là động lực kích thích phát triển cho ngành.

Bộ trưởng cho biết , để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của CNTT, Bộ sẽ đưa việc ứng dụng, phát triển CNTT là nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, chương trình mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, cũng như trong các đề án, dự án đầu tư của quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương; Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và ban hành đầy đủ hành lang pháp lý về ứng dụng, phát triển CNTT theo hướng phù hợp với thực tế, đảm bảo theo kịp sự phát triển của công nghệ; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về tài chính, đầu tư theo hướng bảo đảm phân bổ đủ mức ngân sách nhà nước hàng năm cho CNTT.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ việc đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò lớn hơn trong các dự án CNTT, hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp CNTT Việt Nam tầm cỡ khu vực và thế giới; Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại trong đó thông tin được tạo lập, chia sẻ, tích hợp và sử dụng giữa các cơ quan, tổ chức và xã hội một cách hiệu quả với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản trị, quản lý và điều hành tại các lĩnh vực trọng điểm, trong môi trường đảm bảo và tự chủ về an toàn thông tin.

Ông Son cũng nhấn mạnh sẽ thúc đẩy triển khai các phương thức đầu tư, ứng dụng CNTT tiên tiến, hiệu quả, minh bạch như việc cho phép thuê dịch vụ CNTT, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư,… huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; tạo điều kiện thuận lợi, áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT.

Đặc biệt, mục tiêu đặt ra của Bộ TT&TT là giúp các DN Việt Nam ứng dụng, khai thác, phát triển và làm chủ các công nghệ quản trị, quản lý thông minh dựa trên các thành tựu khoa học - công nghệ, ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; Phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu mới.

Với chủ đề: “CNTT và quản trị thông minh”, Vietnam ICT Summit 2015 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội như: dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm