Phát triển OTT doanh nghiệp: Cuộc chơi mới của nhà mạng

Khi cuộc chơi OTT cho cá nhân đang dần bão hòa, nhà mạng chuyển sang thị trường ngách phát triển OTT doanh nghiệp, được đánh giá có tiềm năng lớn.

Phát triển OTT doanh nghiệp: Cuộc chơi mới của nhà mạng - 1

Ra mắt năm 2009 và được Facebook mua lại năm 2014, WhatsApp là một trong những ứng dụng tin nhắn miễn phí lâu đời, phổ biến nhất trên toàn cầu với 1,3 tỷ người dùng hiện tại. Dù xuất hiện trên thế giới gần 10 năm nhưng đến tháng 1/2018, "ông lớn" OTT này mới chính thức "trình làng" bản "WhatsApp Business" với các chức năng tạo hồ sơ doanh nghiệp và công cụ nhắn tin hướng đến kết nối đơn vị kinh doanh và khách hàng.

Đây là một trong những xu hướng mới nhất của các nền tảng nhắn tin miễn phí trên thế giới, với các sản phẩm OTT doanh nghiệp khác như "Line@" và "Skype for Business". Các chuyên gia đánh giá, thị trường OTT thiết kế riêng cho mục đích kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tạo nền tảng kết nối doanh nghiệp với người dùng và trao đổi công việc giữa các công ty hoặc nhân viên trong một tổ chức được đánh giá là vẫn còn rất rộng mở và tiềm năng.

Các OTT cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, phục vụ riêng mục đích kinh doanh sẽ được thiết kế cụ thể với các chức năng tạo nhãn hiệu doanh nghiệp, phân loại nhóm đối tượng khách hàng ngay trong tin nhắn, và thậm chí tích hợp cả công cụ phân tích trạng thái giao nhận đơn hàng cho khách qua tin nhắn…

Trong công bố kế hoạch tăng trưởng doanh thu, ứng dụng được Facebook mua lại cho biết sẽ tính phí với các doanh nghiệp lớn sử dụng các công cụ cao cấp để kết nối với khách hàng trên nền tảng hơn một tỷ người dùng này. Hiện nay, sản phẩm OTT doanh nghiệp mới được đơn vị này ra mắt thử nghiệm ở một số thị trường như Indonesia, Italia, Mexico, Vương quốc Anh và Mỹ. Slack - ứng dụng OTT được đánh giá thành công với phân khúc khách hàng doanh nghiệp với trên năm triệu người dùng, trong đó số tài khoản trả phí là 1,5 triệu với doanh thu hàng trăm triệu USD chủ yếu tại thị trường Mỹ và Canada.

Trong bối cảnh thị trường OTT chủ yếu với mục đích B2C đã chạm đến ngưỡng bão hòa với sự tham gia của hàng trăm sản phẩm miễn phí giành giật từng người dùng thì việc các nền tảng thiết kế riêng nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau với mục đích B2B là hướng đi mới. Đây được xem là cấp độ phát triển tiếp theo của các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh OTT như WhatsApp, Line, Skype và Facebook Messenger.

Phát triển OTT doanh nghiệp: Cuộc chơi mới của nhà mạng - 2

Trào lưu OTT Doanh nghiệp cũng đã lan đến Việt Nam, trong đó dẫn đầu là nhà mạng. Mới đây, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (thành viên Tập đoàn VNPT) đã nghiên cứu, đưa ra ứng dụng Karo với những tính năng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp, trước mắt phục vụ thị trường nội địa.

Ứng dụng Karo xây dựng hướng đến các tổ chức doanh nghiệp, mang đến cho khách hàng trải nghiệm về các tiện ích của một mạng xã hội doanh nghiệp riêng biệt, an toàn, hiệu quả cũng như đảm bảo quyền riêng tư cho cá nhân, bảo mật dữ liệu cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị và tiết kiệm chi phí.

Việc Vinaphone cho ra mắt OTT doanh nghiệp được xem là hướng đi mới khi thị trường đã tràn ngập hàng loạt OTT dành cho người dùng cá nhân. Cách đây hai năm, cả ba nhà mạng lớn Vinaphone, Mobifone, Viettel đều lần lượt cho ra mắt OTT cá nhân của riêng mình từ VieTalk, Halo, Mocha với tham vọng dẫn đầu cuộc đua OTT.

Tuy vậy, thực tế cho thấy trên lĩnh vực OTT theo mô hình B2C được người Việt dùng nhiều nhất vẫn là các tên tuổi như Facebook, Viber, Skype, Line… Theo thống kê, tại Việt Nam, hiện Zalo và Facebook là hai ứng dụng OTT B2C đang được nhiều người sử dụng nhất. Zalo hiện có khoảng hơn 60 triệu người dùng, Facebook là hơn 30 triệu, tiếp theo là Viber 23 triệu.

Với những tiện ích đem lại như nhắn tin, gọi điện miễn phí và nhất là ưu điểm nổi bật tiết kiệm chi phí, kinh tế nên hầu như người dùng smartphone nào cũng phải cài đặt trên “chú dế” của mình vài ứng dụng khác nhau để chat, nói chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là cả đối tác. Và không khó lý giải vì sao các ứng dụng này thu hút số lượng người sử dụng cực lớn, trở thành mối đe dọa không hề nhỏ về doanh thu thoại, nhắn tin của các nhà mạng.

Do đó, việc Vinaphone đi vào thị trường ngách, phát triển OTT dành cho doanh nghiệp được xem là hướng đi khôn ngoan, khi đây vừa là xu hướng chung của thế giới, vừa gần như chưa có đối thủ tại Việt Nam.

Karo là ứng dụng OTT cho doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ truyền thông và giá trị cộng thêm theo mô hình hoạt động mạng xã hội doanh nghiệp riêng biệt. Ứng dụng OTT Karo tập trung vào mảng B2B để làm nền tảng phát triển, phát huy thế mạnh là một nhà mạng của đơn vị với điều kiện hạ tầng, thương hiệu và tập khách hàng lớn.

Bên cạnh các hình thức thông tin liên lạc thông thường như điện thoại, tin nhắn, nền tảng cho phép người dùng tích hợp các tính năng khác biệt cho doanh nghiệp như danh bạ công ty, tổng đài ảo, nhóm chat doanh nghiệp, bản tin nội bộ, bảo mật nội dung trực tuyến, cơ chế xác thực mật khẩu…

Nền tảng có thể tiết kiệm tới 50% chi phí liên lạc cho công ty và các thành viên trong đơn vị bao gồm miễn phí data sử dụng ứng dụng; miễn phí gọi điện và nhắn tin, tiết kiệm cước gọi điện và nhắn tin từ Karo đến các thuê bao di động và cố định khác. Ứng dụng không thu chi phí đầu tư hệ thống tổng đài, bảo dưỡng, vận hành hệ thống.

Khách hàng sử dụng ứng dụng có thể tiết kiệm chi phí đáng kể. Ngoài việc nhắn tin, gọi điện giữa các thuê bao tải ứng dụng như các OTT khác, nền tảng cho phép người dùng gọi điện ra các thuê bao di động và cố định tất cả các mạng trong nước với giá rẻ hơn so với thông thường. Karo hiện cấp miễn phí một số di động Vinaphone cho các thuê bao ngoại mạng để gọi, nhắn tin qua ứng dụng.

“Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng dụng OTT ảnh hưởng trực tiếp tới dịch vụ truyền thống như làm giảm doanh thu thoại, SMS…nên việc nhà mạng nghiên cứu và triển khai ứng dụng OTT là điều hoàn toàn cẩn thiết. Đây là một trong những yếu tố giúp nhà mạng có thể giữ chân khách hàng doanh nghiệp, thậm chí đón đầu những xu hướng phát triển mới trong ngành viễn thông”, ông Tô Dũng Thái - Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông cho biết.

PV