Phát hiện loài cá sống sâu nhất thế giới

(Dân trí) - Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra loài cá sống ở độ sâu lên đến hơn 5 dặm dưới đáy đại dương, tức hơn 8 km.


Một nhóm các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Hawaii mới đây đã ghi lại được một đoạn video về một loài cá chưa được biết đến từ trước đến nay. Đoạn video được thực hiện tại rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu 11 km, nhất thế giới từng được biết đến - ở phía tây Thái Bình Dương. Các camera đã hoạt động liên tục trong hơn 105 giờ và thám hiểm các độ sâu khác nhau, từ 16.400 feet đến 34.700 feet (5 km – 10,6 km) và đã phát hiện ra loài cá mới ở độ sâu 8,1 km.

Phát hiện loài cá sống sâu nhất thế giới

Theo xác định ban  đầu, đây có thể là loài thuộc họ cá nòng nòng nọc (snailfish) với da trơn, lỏng sền sệt và mỏng nhưng phần vây và đuôi có chút khác biệt: vây giống mái chèo,  phần đuôi khá giống đuôi lươn và có cái miệng khá lạ. Khi bơi, nó giống một tờ giấy trôi trong nước.

Với độ sâu 8,1 km, loài cá mới này đã đánh bại kỉ lục độ sâu trước đó thuộc về một loài đã phát hiện năm 2011 với độ sâu 7,7 km. Đó chính là cá nòng nọc hồng được phát hiện tại rãnh Nhật Bản nằm trong Thái Bình Dương.

Theo tính toán của các nhà khoa học, với độ sâu hơn 8 km, áp lực nước biển tạo ra sẽ lớn gấp 800 lần so với áp suất khí quyển của mực nước biển tiêu chuẩn và rất ít các sinh vật có thể tồn tại được ở điều kiện cực kì khắc nghiệt này.

“Chúng tôi chưa từng thấy loài cá nào sống được ở môi trường khắc nghiệt với độ sâu như thế này. Đây cũng là loài cá mà chúng ta chưa từng được biết tới”, Alan Jamieson từ Đại học Aberdeen và là một trong những nhà nghiên cứu cho biết.

Sắp tới, các nhà khoa học dự kiến sẽ tiếp tục tìm hiểu rãnh sâu để tìm hiểu môi trường sống ở nơi sâu nhất thế giới này.

"Biết được những sinh vật tồn tại là một chuyện, nhưng tìm hiểu môi trường sống tự nhiên của chúng và cách tương tác của chúng với các loài khác mới thực sự là điều tuyệt vời”, Jamieson nói.

Lâm Anh