Phát hiện doanh nghiệp nước ngoài "xài" phần mềm lậu giá trị hàng chục tỉ đồng

(Dân trí)- Sau đợt thanh tra tại 6 doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn, cơ quan chức năng đã phát hiện những đơn vị này sử dụng số phần mềm lậu có giá trị lên tới gần 10 tỷ đồng.

Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50 (Bộ Công An) cho biết, trong đợt thanh tra vừa diễn ra cơ quan chức năng liên ngành đã tiến hành thanh tra 6 đơn vị đều là những doanh nghiệp nước ngoài có qui mô kinh doanh lớn và có thương hiệu trên thị trường.
 
Kết quả bất ngờ cho thấy, cả 6 doanh nghiệp này đều sử dụng các phần mềm vi phạm bản quyền, trong đó tổng giá trị phần mềm bất hợp pháp lớn nhất lên tới 4 tỷ đồng được tìm thấy tại một doanh nghiệp Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực may mặc và túi nhựa. 
 
Ngoài ra, liên ngành thanh tra cũng tiến hành kiểm tra tại 1 doanh nghiệp Đài Loan, chuyên về sản xuất giầy thể thao; một công ty của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực phát triển, lập trình các phần mềm ứng dụng; 1 doanh nghiệp của Hàn Quốc chuyên sản xuất các phụ kiện may mặc và túi nhựa, túi kim loại; 1 công ty liên doanh  Việt – Anh chuyên nghiên cứu và sản xuất hóa chất thuốc và dược liệu; 1 công ty 100% vốn Trung Quốc kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và đồ điện tử  và một doanh nghiệp 100% vốn của Úc chuyên cung cấp các phần mềm ứng dụng và giải pháp quản lý tài liệu.
 
Theo đó, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra 536 máy tính và phát hiện tổng số phần mềm không có bản quyền có giá trị lên tới 10 tỷ đồng, lớn nhất từ đầu năm tới nay.
 
Được biết, các phần mềm vi phạm là sản phẩm của các hãng  Adobe, Autodesk, Lạc Việt và Microsoft.

Lực lượng thanh tra Liên ngành kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp sử dụng phần mềm. 

Lực lượng thanh tra Liên ngành kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp sử dụng phần mềm. 

“Các đợt thanh tra đưa ra thực trạng, nhiều công ty có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng họ vẫn cố tình trốn tránh việc mua phần mềm có bản quyền. Đáng nói những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%,  hiểu rất rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp “ tài sản trí tuệ” của người khác cho mục đích vận hành kinh doanh của doanh nghiệp mình” - Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch nhấn mạnh.

Đợt ra quân này được thực hiện ngay sau khi Chính phủ đưa ra mục tiêu mới nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống 70% trong 5 năm tới. Việc thực thi nghiêm khắc này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.

Phạm Thanh