Sản phẩm dự thi Nhân tài đất Việt 2007:
Phần mềm luyện âm, tập nói cho trẻ khiếm thính
(Dân trí) - Để giúp trẻ em khiếm thính vượt qua những khó khăn trong việc luyện âm, tập nó và rèn luyện tư duy, nhóm tác giả Listen Me của trường ĐH KHTN TPHCM đã dày công nghiên cứu và xây dựng hoàn chỉnh phần mềm hỗ trợ công tác giáo dục cho các em.
Anh Lưu Khoa, trưởng nhóm phát triển phần mềm “Hỗ trợ trẻ em khiếm thính luyện âm, tập nói và rèn luyện tư duy”, cho biết, đối tượng chính mà phần mềm này hướng tới là trẻ khiếm thính từ lớp 1 trở xuống và ở mức độ khiếm thính nhẹ. Phần mềm bao gồm một giáo trình (phiên bản 2.0), gồm 4 phần chính là Học Toán, Học Vần, Luyện phát hơi và Luyện nghe. Phần mềm cũng có các module hỗ trợ luyện phát âm, luyện khẩu hình miệng, module mô phỏng 3D cách phát âm, module hỗ trợ giúp bé tập viết và một từ điển múa dấu.
Trong 4 phần chính của giáo trình này, nhóm bài Học Vần được các tác giả đầu tư rất kỹ với 29 bài học, được gom nhóm theo bảng chữ cái tiếng Việt. Mỗi bài học sẽ có 3 cấp độ học: Học chữ cái (học cách phát âm, cách múa dấu, cách viết chữ cái). Học từ: học các từ vựng có liên quan đến chữ cái đó. Nội dung của các từ vựng này xoay quanh việc mô tả về thế giới xung quanh. Ứng với mỗi chữ cái, có khoảng 5-10 từ vựng đi kèm. Mỗi từ vựng bé được học cách phát âm, múa dấu, khẩu hình miệng, cc dạng tồn tại của đối tượng mô tả. Học cách đặt câu: Học về các câu đơn giản mô tả các hoạt động của bé so với thế giới xung quanh.
Giao diện bài học luyên âm cho trẻ khiếm thính.
Khi đi vào thực tế một bài học, chẳng hạn học nguyên âm “a”, bé sẽ được tận mắt theo dõi bác bước trình diễn trên màn hình và dễ dàng bắt chước các kỹ năng đó như cách phát âm chữ cái (thông qua hình miệng mẫu), cách viết chữ cái, với nhiều dạng chữ hoa thường khác nhau, cách múa dấu ký hiệu chữ cái đó… Sau khi học xong bài, bé có thể thực hành bằng cách hoàn thành các bài tập. Nội dung bài tập khá phong phú, từ vựng bao gồm những từ được sử dụng hàng ngày, thân thuộc với trẻ. Ứng với mỗi bài học, bé sẽ tự mình lựa chọn và xác định tên gọi của các đồ vật. Kết quả đúng sai được thể hiện thông qua hiệu ứng trên màn hình.
Ở nhóm bài luyện phát hơi lại nhằm giúp trẻ khiếm thính có thể bật hơi ra được khỏi miệng và có thể chủ động điều khiển hơi của mình. Khi chương trình nhận ra âm thanh thu được từ micro, sẽ có các hiệu ứng tương ứng, thể hiện được có hơi hoặc không có hơi và mức độ dài ngắn của hơi. Khi luyện phát âm nếu bé đọc đúng âm chương trình sẽ tự động nhận ra âm thanh từ micro là nguyên âm gì, âm đó sẽ to lên và đổi màu trên màn hình.
Ngoài các bài học cơ bản nói trên, phần mềm còn cung cấp cho trẻ sự trợ giúp trong quá trình luyện tập cử động môi, một bước không kém phần quan trọng để trẻ có thể phát âm được và đúng. Đó chính là phần mềm luyện khẩu hình miệng. Phần mềm gồm 2 chức năng chính là hỗ trợ trẻ học khẩu hình miệng thông qua các đoạn video có giáo viên hướng dẫn và cho trẻ tự luyện tập và quan sát khẩu hình miệng của mình qua webcam. Ngoài ra phần mềm còn hỗ trợ công cụ mô phỏng 3D cách phát âm và công cụ giúp bé học viết.
Trần Đức