1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Phần mềm bảo vệ Windows trông giống... spyware

“Nếu nó hoạt động hay truyền thông tin như spyware thì đích thị là phần mềm gián điệp rồi”. Đó là lời bàn tán của các hãng bảo mật về tính năng chống hàng lậu gài trong Windows Genuine Advantage (WGA) chạy kèm với hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.

Spyware được định nghĩa là một phần mềm "không mời mà đến", chuyên đi kiếm thông tin về người sử dụng máy tính hoặc bản thân máy tính đó rồi chuyển "chiến lợi phẩm" về cho người phát tán nó mà khổ chủ không hề hay biết.

 

Còn chương trình chống hàng lậu WGA thì hoạt động song song với bản Windows Update để kiểm tra xem hệ điều hành trên máy tính có "giấy phép" hợp lệ không rồi gửi thông báo về cho Microsoft.

 

Chính vì lẽ đó, đã có hai vụ khiếu kiện tập thể chống lại hãng phần mềm số một thế giới, buộc tội WGA là một phần mềm gián điệp. Bên Microsoft cũng thừa nhận chương trình này thu thập thông tin về phần cứng, phần mềm nhưng họ khẳng định rằng các dữ liệu chỉ được dùng để xác định hệ điều hành trên máy tính có được đăng ký hợp pháp hay không.

 

"WGA không khác gì so với các phần mềm gián điệp ăn cắp thông tin một cách bất hợp pháp", Eric Howes, Giám đốc nghiên cứu mã nguy hiểm tại hãng Sunbelt Software, nhận xét. Tuy hãng này không liệt WGA vào hàng spyware nhưng Howes cho biết có thể họ sẽ thay đổi quyết định. Ông cũng thừa nhận rằng Microsoft đã thông báo rõ hơn cho khách hàng về hoạt động của WGA sau khi dư luận phản ứng.

 

Còn J.J. Schoch, Giám đốc phụ trách tiếp thị tại hãng Panda Software, tỏ ra không mấy bận tâm: "Microsoft có mọi quyền để bảo vệ mình trước hoạt động sao lưu lậu hệ điều hành. Tại sao khi họ đã tin vào các chương trình liên quan đến dữ liệu cá nhân như e-mail hay thuế mà Microsoft viết, họ lại tỏ ra nghi ngờ về hoạt động kiểm tra vô hại của WGA?".

 

WGA được giới thiệu vào năm ngoái với mục đích kiểm tra bản Windows XP đang dùng có hợp pháp hay không. Chương trình chỉ chạy trên máy tính dùng hệ điều hành của Microsoft khi người sử dụng cài đặt tính năng Automatic Updates (cập nhật tự động). Đây là lý do tại sao nhiều bạn đọc thắc mắc rằng, khi update bản Windows XP, họ được yêu cầu "genuine key".

 

Vào tháng 4/2006, Microsoft tiếp tục cập nhật WGA. Lần này, họ cài thêm công cụ Notifications (báo cáo) để kiểm tra tính hợp pháp của Windows trên hệ thống, kể cả khi người dùng không dùng tính năng cập nhật. Nhưng sau đó, vào cuối tháng 6/2006, hãng này đồng ý xem xét lại Notifications. Hiện nay, Microsoft thông báo phần mềm chỉ kiểm tra định kỳ, chứ không kiểm tra hàng ngày.

 

Các hãng bảo mật cũng cảnh báo một sâu giả dạng WGA của Microsoft hoạt động thông qua dịch vụ tin nhắn nhanh America Online, có thể gây nguy hiểm lớn. Nó làm tê liệt hệ thống firewall và khiến máy tính dễ bị người ngoài điều khiển.

 

Theo Thuỳ Hương

VnExpress/PC World