1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Nở rộ các dịch vụ gia tăng trên mobile (Kỳ I)

Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ nội dung (DVND) cũng “ăn” lắm. Có “ăn” nên lúc đầu, mảnh đất màu mỡ này mới chỉ có một vài nhà cung cấp, nay đã tới hồi “quần ngư tranh thực”.

Trăm người bán có vạn người mua?

 

Quả thực, chưa bao giờ thị trường cung cấp DVND sôi động như hiện nay. Bên cạnh các cửa hàng/đại lý bán và phân phối các sản phẩm ĐTDĐ miễn phí việc tải một số hình nền, nhạc chuông hay trò chơi cho khách hàng nhằm thu hút thêm người mua như A.Mobile, D. Linh, M.Nguyên, T. Dương, Đ. Minh… với những nội dung còn khá nghèo nàn, thậm chí chưa qua kiểm soát (nhiều đoạn nhạc chuông bậy bạ, hình ảnh khiêu dâm, vô văn hóa…) thì số lượng các nhà cung cấp DVND “đường hoàng” đã và đang mọc lên như nấm.

 

Trước tiên, phải kể đến DVND của các “đại gia” alô như MobiFone, VinaPhone, S-Fone,… MobiFone đã xúc tiến cung cấp DVND gần như đầu tiên ở Việt Nam nhưng có vẻ mảng này chưa được phát triển. Các DVND được giới thiệu trên trang web còn khá nghèo nàn, vẫn “bình chân như vại” tới cả vài năm nay như trong các thư mục Tin nhắn mẫu (SMS template) hay hình động,…

 

Giống như MobiFone, DVND của VinaPhone chỉ cung cấp cho khách hàng nội mạng, nhưng khá phong phú và mạng này đặc biệt mạnh trong việc khai thác kết nối GPRS để sử dụng MMS (Tin nhắn đa phương tiện). Điều đáng nói hơn cả là tháng 11-2005, VinaPhone đã triển khai thử nghiệm cung cấp game di động bản quyền đầu tiên tại Việt Nam qua hệ thống WAP/GPRS với giá chỉ 7000đ/game, đón đầu nhu cầu chơi game trên di động của giới trẻ.

 

Với mức giá rẻ và độ an toàn cho các máy cài game (do có bản quyền), VinaPhone có thể sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Trong khi đó, S-Fone – nhà cung cấp mạng CDMA duy nhất đang hoạt động trong thời điểm hiện nay – lại có thế mạnh nghiêng về việc cung cấp coloring (chuông chờ), một thời từng làm những người dùng di động ở Việt Nam thích thú. Viettel cũng đang gấp rút xây dựng các DVND, dự kiến ra mắt nay mai. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay như Hanoi Telecom hay VP Telecom, chắc chắn cũng sẽ không bỏ qua mảng dịch vụ này, khi đã thấy được lợi nhuận nó đem lại cho các công ty đi trước.

 

Trong khi DVND được các “đại gia” alô quan tâm thì nó lại chưa được các hãng sản xuất ĐTDĐ chú ý. Samsung chỉ có những thông tin ít ỏi về loại dịch vụ này trên diễn đàn, LG hoàn toàn không có, Motorola tương tự Samsung. Xem ra, chỉ có Nokia là thực sự chú ý đến mảng nội dung di động khi “ông lớn” này đang nắm trong tay 70% thị phần thiết bị đầu cuối tại Việt Nam. Ngoài việc thành lập các Nokia Stations cài đặt DVND miễn phí cho những máy di động có thẻ Nokia Club. Mới đây, Nokia đã bắt tay cùng một số nhà cung cấp DVND khác đưa ra các chương trình miễn phí cho khách hàng. 

 

Nở rộ các dịch vụ gia tăng trên mobile (Kỳ I) - 1

Nở rộ các dịch vụ gia tăng trên mobile (Kỳ I) - 2

"Chúa tể vũ trụ" và " Sóc vàng tìm thông"- hai trong số rất nhiều các trò chơi với nhiều phần thưởng giá trị cao trên trang thegioisms.com.

 

Nhưng sôi động hơn cả phải kể đến các công ty chuyên cung cấp DVND. Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC thực sự đã gây ấn tượng với khách hàng trong thời gian qua, với một loạt thương hiệu đã trở nên quen thuộc và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường như Dalink, Alofun, Netmode, LuckyWin… trên các đầu số 996, 997, 998. “Bao sân” hầu như toàn bộ các trò chơi qua đầu số 1900 trên Đài truyền hình Việt Nam là ABC Group.

 

Mobicom với một loạt các trang web mới xuất hiện - Thế giới SMS, giới thiệu nhiều SMS game độc đáo và hấp dẫn trên các đầu số 986, 987, 988; Trung tâm tin học Bưu điện Hà Nội cũng vào cuộc với các DVND, còn ở thời kỳ “sơ khai”; NEO với chương trình bình chọn Bài hát Việt 2005; Quang Minh; Biển Xanh… Mới nhất là VDC với dịch vụ MyMobile và nghe đâu FPT cũng sắp “trình làng” dịch vụ nhạc chuông với cơ sở dữ liệu từ nhacso.net. 

 

Một số tờ báo lớn cũng đang tiến hành mua một vài đầu số 1900 để đưa ra các dịch vụ và trò chơi. Ngoài ra, các đối tác nước ngoài cũng bắt đầu tham gia vào thị trường này với Shabox của Malaysia, Yahoo hay MSN đang khảo sát thị trường.

 

Từ “vỡ đất” tới “thâm canh”

 

Khai thác các DVND cho di động ở Việt Nam đang chuyển hóa một cách sâu sắc. Nếu như giai đoạn đầu vào vài ba năm trước, các nhà cung cấp DVND mới chú trọng đến các dịch vụ “ăn tiền” ngay và “dễ làm, dễ xơi” như tải nhạc chuông, hình ảnh, logo… thì tới nay, trước sức ép cạnh tranh, các dịch vụ đã được đa dạng hóa, muôn hình vạn trạng. Nhạc chuông, hình ảnh, hay logo… lúc đó đều nằm trên “cái kho” Internet. Ai cũng có thể lấy, ai cũng có thể làm. Vấn đề bản quyền chưa hề được nhắc đến, vì thế, lợi nhuận thu về không phải là nhỏ do không đòi hỏi đầu tư cao. Tuy nhiên, cái thời “vỡ đất” ấy đã xa rồi.

 

Để đất đai không bị bạc màu mà năng suất lại cao, dĩ nhiên, các nhà cung cấp DVND biết nhìn xa trông rộng thấy ngay cần phải “thâm canh”. “Thâm canh” ở đây được hiểu theo nhiều nghĩa: Đa dạng nhưng chuyên sâu hơn, chú trọng hơn tới đầu tư thương hiệu, mua bản quyền và làm cho mình khác biệt với các đối thủ “làng nhàng” khác trên thị trường.

 

Một số nhà cung cấp đi đầu như VASC đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ vào việc mua bản quyền ca khúc để làm nhạc chuông; ABC Group thể hiện sự “độc quyền” với các game show trên truyền hình; Shabox trở thành người đi tiên phong trong việc cung cấp Javagames,… Các thương hiệu như Dalink, Alofun, Clip2m,… liên tục làm mới mình với các dịch vụ mới mẻ như thiệp flash, clip truyền hình, đặt giờ hẹn gửi SMS…

 

Nhưng có vẻ như các nhà cung cấp DVND mới tham gia vẫn chưa thoát ra khỏi ảo tưởng “ngon ăn” ở mảng thị trường béo bở này. Thêm một cái tên mới nhưng lại chẳng có dịch vụ gì mới mẻ trong khi khách hàng có thêm nhiều lựa chọn từ các đầu số do VNPT cung cấp với nhiều mức giá, từ 1000 – 15.000 đồng và thị trường sẽ sớm bão hòa. Vậy các nhà cung cấp sẽ cạnh tranh nhau về giá cả, dịch vụ và tốc độ thế nào khi cơ hội được chia đều cho tất cả?

 

Theo EchipM!

 

* Mời các bạn đón đọc Kỳ II: "Cuộc đua hình phễu"