Những ứng dụng hài hước để trêu đùa bạn bè trong ngày “Cá tháng tư”
(Dân trí) - “Cá tháng Tư” là ngày mọi người được phép nói dối để trêu đùa lẫn nhau. Những ứng dụng miễn phí dưới đây, với chức năng chính là tạo ra những trò “chơi khăm” thú vị trong ngày “cá tháng Tư” 1/4, để mang đến những phút giây thư giãn.
Trò đùa cuộc gọi giả trên smartphone
Fake Call là ứng dụng miễn phí trên nền tảng Android, cho phép tạo ra những cuộc gọi giả trên smartphone để trêu đùa bạn bè, chẳng hạn bạn có thể tạo ra cuộc gọi giả từ người thân, từ một người xa lạ hay thậm chí là cuộc gọi giả được gọi đến từ cảnh sát…
Để sử dụng Fake Call, bạn phải giả vờ mượn smartphone của nạn nhân, sau đó âm thầm cài đặt ứng dụng này lên smartphone rồi thực hiện các bước thiết lập. Bạn có thể thiết lập tên người gọi, số điện thoại người gọi… rồi lên thời gian để cuộc gọi giả được vang lên.
Sau thời gian được thiết lập, một cuộc gọi được tạo ra từ smartphone của “nạn nhân” khiến họ tưởng rằng ai đó đang gọi cho mình, nhưng thực tế chỉ là một cuộc gọi giả từ Fake Call tạo ra.
Thậm chí bạn còn có thể ghi âm lại giọng nói của mình để khi người dùng trả lời cuộc gọi giả, giọng ghi âm này sẽ vang lên. Lúc đó bạn có thể nói với “nạn nhân” rằng họ đã bị lừa và khi nhận ra sự thật này, “nạn nhân” đã ăn phải “quả lừa” của bạn.
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.0 trở lên).
Với người dùng iOS, bạn có thể nhờ đến ứng dụng tương tự có tên gọi Fake Call Plus, với cách thức hoạt động và thiết lập giống như ứng dụng trên Android. Bạn có thể download miễn phí tại đây (tương thích iOS 8.0 trở lên).
Trò đùa smartphone bị virus xâm nhập và phá hoại
Trò đùa smartphone bị virus xâm nhập và phá hoại
Với ứng dụng có tên gọi Hack Prank, bạn sẽ khiến những người nhẹ dạ cả tin có một phen hoảng hốt, khi ứng dụng này sẽ tạo ra hiệu ứng như thể smartphone đã bị mã độc xâm nhập.
Cũng như ứng dụng kể trên, bạn cần phải mượn smartphone của “nạn nhân” rồi âm thầm cài đặt Hack Prank lên thiết bị của họ. Sau đó thiết lập khoảng thời gian để ứng dụng tự động kích hoạt giao diện giả mạo smartphone đã bị hack. Bạn cũng có thể tạo thông điệp để hiển thị trên màn hình để “dọa” người dùng.
Sau đó nhấn nút “Start Prank” để lưu lại thiết lập và trả lại smartphone cho người dùng. Sau khoảng thời gian đã thiết lập, một giao diện màn hình đen với nền chữ trắng, cùng thông điệp cho biết smartphone đã bị hack sẽ hiện ra khiến “nạn nhân” bất ngờ như thể smartphone đã bị hack. Đáng chú ý tại giao diện này nếu người dùng nhấn nút quay lại thì cũng bị vô hiệu hóa và chỉ có thể nhấn nút “Home” để quay trở lại trang chính của smartphone.
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 4.4 trở lên).
Trò đùa âm thanh gây chói tai
High Pitch Blaster là ứng dụng miễn phí trên nền tảng Android, sẽ phát ra một âm thanh ở các cường độ khác nhau có thể khiến những người xung quanh bạn cảm thấy chói tai. Đây sẽ là một trò đùa khá thú vị khi mà những người xung quanh bạn không biết được âm thanh này phát ra từ đâu, khiến họ sẽ phải tìm quanh xem nguồn phát của âm thanh này.
Ngoài ra, trong trường hợp ở nơi đông người và một ai đó vô ý thức nghe nhạc lớn qua loa ngoài, bạn cũng có thể dùng ứng dụng này để phát ra âm thanh khiến họ cảm thấy khó chịu và ngừng phát nhạc làm phiền bạn.
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 1.6 trở lên).
Với người dùng iOS, bạn có thể dùng ứng dụng với tên gọi iTorturer (download miễn phí tại đây), cũng sẽ có chức năng tương tự như High Pitch Blaster ở trên.
Trò đùa vỡ màn hình smartphone
Trò đùa vỡ màn hình smartphone
Bạn có muốn nhìn thấy gương mặt ngơ ngác và hoảng sợ của một ai đó khi họ vô tình làm vỡ màn hình smartphone của bạn? Ứng dụng miễn phí Crack Your Screen Prank sẽ giúp bạn thực hiện điều này.
Crack Your Screen là ứng dụng miễn phí dành cho Android, sẽ tự động tạo hiệu ứng vỡ màn hình trên smartphone của bạn ngay khi người dùng lắc hoặc chạm vào màn hình smartphone. Đây có thể là một trò đùa khiến nhiều người phải thót tim.
Download ứng dụng miễn phí tại đây hoặc tại đây (tương thích Android 2.3 trở lên).
Lưu ý: sau khi download và cài đặt ứng dụng, bạn nên ngắt kết nối Internet (Wifi hoặc 3G) trước khi dùng ứng dụng để không bị các quảng cáo trên ứng dụng này làm phiền.
Từ giao diện chính của ứng dụng, bạn nhấn nút “Ready”. Sau đó nhấn nút Home trên smartphone để trở lại màn hình chính và đưa smartphone của mình cho người khác. Mặc định, mỗi khi người dùng lắc nhẹ thiết bị, hiệu ứng vỡ màn hình sẽ xuất hiện ngay trên màn hình hiện tại của smartphone để đánh lừa họ.
Để trò đùa được hiện quả hơn, từ giao diện chính của ứng dụng, bạn nhấn vào biểu tượng thiết lập ở góc trên bên phải, sau đó tìm và đánh dấu vào mục “Touch to crack” từ menu hiện ra sau đó.
Bây giờ, thay vì lắc máy, sau khi nhấn nút Ready, nếu một ai chạm vào màn hình của smartphone sẽ lập tức tạo nên hiệu ứng vỡ màn hình, điều này sẽ khiến không ít người phải “thót tim”.
Để đưa màn hình trở về bình thường, người dùng chỉ cần cầm và lắc nhẹ máy để bỏ qua hiệu ứng vỡ màn hình này.
Bạn cũng có thể âm thầm cài đặt ứng dụng này lên smartphone của “nạn nhân”, sau đó giả vờ như bạn đã làm vỡ màn hình smartphone của họ để kiểm tra xem phản ứng của “nạn nhân” như thế nào khi dính “quả lừa” của bạn.
Phạm Thế Quang Huy