Những thương vụ thâu tóm đình đám trong giới công nghệ 2014
(Dân trí) - Năm 2014 chứng kiến những thương vụ “bom tấn” trong giới công nghệ khi các “đại gia” chấp nhận chi ra nhiều tỷ USD để thâu tóm và sở hữu những hãng công nghệ nhỏ hơn. Dưới đây là những thương vụ đình đám và gây không ít bất ngờ trong giới công nghệ năm qua.
Microsoft hoàn tất thương vụ thâu tóm Nokia
Mặc dù thương vụ này được tiến hành từ năm ngoái, nhưng chỉ chính thức hoàn tất vào năm 2014 này, với giá trị 7,2 tỷ USD.
Sau khi thương vụ kết thúc, Microsoft đã quyết định đổi tên bộ phận thiết bị của Nokia thành Microsoft Devices, đồng thời “khai tử” thương hiệu Nokia Lumia và thay thế tên Microsoft Lumia vào các sản phẩm của Nokia đang bán trên thị trường cũng như những mẫu sản phẩm sẽ ra mắt trong tương lai. Điều này khiến không ít người yêu thích hãng điện thoại Phần Lan cảm thấy tiếc nuối.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Nokia đã hoàn toàn “chết”. Sau thương vụ, Nokia tập trung vào việc phát triển các công nghệ và dịch vụ, là những mảng mà Microsoft không thâu tóm.
Đặc biệt, Nokia vẫn cho thấy tham vọng trở lại thị trường phần cứng của mình khi gần đây vừa ra mắt chiếc máy tính bảng Nokia N1, chạy nền tảng Android, thay vì Windows như thường thấy. Tuy nhiên, giờ đây Nokia không còn khả năng tự thiết kế và sản xuất sản phẩm như trước đây mà buộc phải nhờ một bên thứ 3 (chủ yếu các hãng điện tử Trung Quốc) sản xuất và phân phối sản phẩm dưới thương hiệu của Nokia.
Google bất ngờ “bán tháo” Motorola cho Lenovo
Năm 2012, Google khiến không ít người bất ngờ khi chi đến 12,5 tỷ USD để sở hữu bộ phận di động của Motorola. Và đến năm 2014, Google lại một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ hơn khi bán lại bộ phận này cho Lenovo với mức giá chỉ 2,91 tỷ USD.
Google đưa ra quyết định này sau 2 năm phải “gánh lỗ” cho Motorola, khi hãng điện thoại này mất dần vị thế trên thị trường smartphone. Và trên thực tế, thương vụ này Google vẫn có phần lời nhiều hơn lỗ, khi mà sau khi bán Motorola cho Lenovo, Google vẫn giữ 24.000 bằng sáng chế của Motorola, một quyết định sáng suốt của Google khi mà giờ đây, bằng sáng chế được xem như những “vũ khí bí mật” để các “ông lớn công nghệ” chống lại nhau trên “chiến trường pháp lý”.
Khác với Microsoft và Nokia, sau thương vụ Lenovo vẫn giữ nguyên thương hiệu của Motorola và vẫn sẽ phát hành sản phẩm dưới tên thương hiệu này.
Facebook bất ngờ mua WhatsApp với giá cực “khủng”
Thương vụ gây bất ngờ nhất trong năm 2014 chính là việc Facebook mua lại ứng dụng nhắn tin miễn phí qua Internet WhatsApp. Điều gây bất ngờ chính là số tiền 19 tỷ USD mà Facebook chi ra để sở hữu ứng dụng này.
Quyết định mua WhatsApp của Facebook được đưa ra sau khi có nhiều tin đồn nhiều “ông lớn” công nghệ khác cũng quan tâm đến ứng dụng này, trong đó có Google. Và có vẻ như Facebook muốn thực hiện dứt điểm thương vụ bằng một mức giá “không thể từ chối”.
Cũng giống như Instagram mà Facebook đã mua lại vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD, WhatsApp vẫn sẽ tiếp tục hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào công ty mẹ là Facebook.
Thành lập vào năm 2009, hiện WhatsApp đang là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên Internet phổ biến nhất thế giới. Tính đến tháng 10/2014, WhatsAppl có hơn 600 triệu người dùng đã kích hoạt.
Apple phá vỡ kỷ lục với thương vụ Beats Electronics
Là hãng công nghệ có giá trị hàng đầu thế giới và thường xuyên thực hiện các thương vụ thâu tóm các công ty khác, tuy nhiên Apple vẫn chỉ chi những số tiền không đáng kể nếu so với những thương vụ “bom tấn” mà các hãng công nghệ lớn khác vẫn thực hiện.
Cho đến năm 2014, khi Apple chấp nhận chi ra 3 tỷ USD để sở hữu hãng công nghệ âm thanh Beats Electronics. Đây là thương vụ có số tiền kỷ lục trong lịch sử của Apple.
Thương vụ lớn nhất mà Apple đã từng thực hiện trong quá khứ là mua lại hãng máy tính NeXT của Steve Jobs vào năm 1996, một động thái để đưa Jobs quay trở lại lãnh đạo Apple, với mức giá 400 triệu USD.
Google sở hữu Nest Lab với mức giá 3,2 tỷ USD
Là hãng “chịu chi” khi thực hiện các thương vụ thâu tóm công ty khác, tuy nhiên Google cũng đã khiến không ít người bất ngờ khi tuyên bố sở hữu Nest Labs, hãng chuyên cung cấp thiết bị chỉnh nhiệt và báo cháy thông minh, với mức giá 3,2 tỷ USD, cao hơn giá trị thực tế được đánh giá của công ty này.
Theo nhận định của các nhà phân tích, Nest Labs được cho là sẽ giúp Google tạo nên các thiết bị gia dụng thông minh để hoàn tất cho dự án ngôi nhà thông minh của Google. Động thái này cũng cho thấy khả năng “lấn sân” của gã khổng lồ tìm kiếm này trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đơn giản hóa các công cụ gia dụng thông minh cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, 2 nhà đồng sáng lập của Nest Labs là Tony Fadell và Matt Rogers, những cựu nhân viên của Apple.
Microsoft chi 2,5 tỷ USD mua lại hãng game “cha đẻ” của Minecraft
Giữa tháng 9, Microsoft bất ngờ tuyên bố sở hữu hãng phần mềm Mojang, “chả đẻ” của tựa game nổi tiếng Minecraft, với mức giá 2,5 tỷ USD.
Với thương vụ này, Microsoft có thể mang tựa game Minecraft rất được yêu thích lên nền tảng di động Windows Phone của hãng. Trước đó Minecraft đã hỗ trợ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả Windows, OS X, Android, iOS... nhưng chưa hỗ trợ Windows Phone.
Đáng chú ý, bản thân hai lãnh đạo cao cấp của Mojang, bao gồm Markus Persson, tác giả của game Minecraft và Carl Manneh, Giám đốc điều hành của Majong, đã nhiều lần từ chối đề nghị mua lại công ty, trước khi chấp nhận một cách miễn cưỡng lời đề nghị giá 2,5 tỷ USD của Microsoft, mà theo 2 nhà lãnh đạo này nhằm giúp cộng đồng người chơi Minecraft có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn và các nhân viên của công ty có được môi trường làm việc tốt hơn.
Sau khi thỏa thuận được hoàn tất, các nhân viên của hãng phần mềm Mojang (Thụy Điển) sẽ gia nhập Microsoft Studios, bộ phận phát triển game của Microsoft. Tuy nhiên, Markus Persson và Carl Manneh sẽ rời bỏ công ty như một cách để phản đối thương vụ này.
Facebook chi 2 tỷ USD mua lại công ty sản xuất kính thực tế ảo Oculus VR
Không lâu sau khi tiến hành thương vụ thâu tóm WhatsApp khiến nhiều người bất ngờ, Facebook một lần nữa “chịu chi” khi bỏ ra đến 2 tỷ USD để mua lại công ty sản xuất kính thực tế ảo Oculus VR, công ty hàng đầu trong lĩnh vực thực tế ảo.
Facebook cho biết sau khi thương vụ diễn ra, trụ sở chính của Oculus VR vẫn được giữ nguyên ở vị trí hiện tại (thành phố Irvine, bang California) và Oculus VR vẫn sẽ tiếp tục tập trung phát triển nền tảng Oculus Rift dành cho kính thực tế ảo của mình, với sự trợ giúp của Facebook.
CEO Zuckerberg của Facebook nhận định nền tảng Oculus Rift của Oculus VR sẽ là nền tảng máy tính của tương lai và khẳng định việc mua lại công ty này là một “sự đầu tư lâu dài về tương lai của máy tính”, đồng thời giúp Facebook đặt chân sang những lĩnh vực mới, mà rất có thể đó sẽ là những chiếc kính thông minh tương tự như Google Glass.
Viber chấp nhận “bán mình” với giá 900 triệu USD
Trong khi thương vụ WhatsApp với mức giá lên đến 19 tỷ USD khiến nhiều người bất ngờ, thì Viber, một đối thủ của WhatsApp trên thị trường nhắn tin miễn phí lại được hãng thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) mua lại với mức giá “chỉ” 900 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó.
Với việc mua lại Viber, Rakuten hy vọng có thể cạnh tranh được với LINE, dịch vụ gửi tin nhắn và gọi điện miễn phí qua Internet hiện dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản hiện nay. Hiện Viber ước tính có 280 triệu người dùng trên toàn cầu.
Một thông tin đáng chú ý vào cuối năm 2013, khi có thông tin Viber muốn tự “bán mình”, nhiều tin đồn cho rằng nhiều hãng viễn thông lớn, trong đó có Viettel của Việt Nam là một trong những “ứng cử viên nặng ký” quan tâm đến việc mua lại Viber. Tuy nhiên sau đó Viettel đã phủ nhận thông tin này và Viber thuộc về quyền sở hữu của Rakuten.
Phạm Thế Quang Huy