Những sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về nền tảng di động Android
(Dân trí) - Android là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay, luôn chiếm vị trí dẫn đầu về thị phần trên smartphone lẫn máy tính bảng. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về nền tảng di động này mà có thể bạn chưa biết. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Mục đích ra đời ban đầu của Android là máy ảnh chứ không phải smartphone
Android đang là nền tảng phổ biến nhất trên thị trường smartphone. Với sự ra mắt của Android đã giúp smartphone trở nên phổ biến hơn với những mẫu sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên ít ai biết được rằng mục tiêu ra đời ban đầu của Android nhắm đến những chiếc máy ảnh thông minh, thay vì smartphone.
Thông tin này được chính “cha đẻ” của Android, Andy Rubin, tiết lộ. Rubin cho biết mục đích ban đầu để xây dựng Android là tạo ra một nền tảng máy ảnh hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây để lưu trữ hình ảnh trực tuyến. Máy ảnh có thể kết nối với máy tính sau đó kết nối với khu lưu trữ trực tuyến “Android Datacenter” để có thể truyền tài hình ảnh lên đó.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chậm chạp của thị trường máy ảnh kỹ thuật số đã khiến Andy Rubin thay đổi quyết định của mình. Rubin nhận thấy thị trường smartphone mới là tương lai của ngành công nghệ, thay vì máy ảnh, do vậy đã thay đổi lại quyết định của mình và chuyển hướng phát triển Android sang nền tảng dành cho các thiết bị di động thông minh.
Đến năm 2005, khi Google mua lại Android, lúc này Andy Rubin mới có điều kiện tốt nhất để giúp Android trở thành nền tảng di động phổ biến nhất như ngày nay.
Samsung từng “chê” Android trước khi Google mua lại nền tảng này
Android được xem là một thương vụ rất thành công của Google, tuy nhiên có được điều này, Google cần phải “cám ơn” Samsung, hãng đã bỏ qua và từ chối mua lại Android khi “cha đẻ” của nền tảng này đưa ra lời mời chào.
Theo đó, vào năm 2004, một năm sau khi thành lập công ty Android, Andy Rubin đã gặp nhiều khó khăn với dự án Android vì không có đủ kinh phí để duy trì và phát triển, trong khi chưa có một “ông lớn” nào để mắt đến dự án này để đầu tư và hỗ trợ về tài chính.
Để tìm nguồn vốn đầu tư giúp phát triển dự án, nhóm phát triển Android, bao gồm Andy Rubin và 7 cộng sự của mình đã bay đến thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để gặp mặt với ban lãnh đạo của Samsung, một trong những hãng sản xuất điện thoại lớn nhất vào thời điểm bấy giờ, tuy nhiên vẫn còn thua kém về thị phần đáng kể so với Nokia hay Motorola…
Trước mặt 20 vị Giám đốc cao cấp của Samsung, Andy Rubin đã trình bày ý tưởng của Android và tiềm năng của nó. Tuy nhiên, đáp lại sự nhiệt tình từ phía Andy Rubin chỉ là sự im lặng và sau đó là một sự từ chối phũ phàng. Sau khi thất bại trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo Samsung, đầu năm 2005, nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch của Google Larry Page đã chấp nhận gặp mặt Andy Rubin. Sau khi nghe trình bày về tiềm năng và ý tưởng phát triển Android, Larry Page đã không ngần ngại chi tiền để mua lại công ty Android.
Android vào thời điểm đó vẫn là một công ty non trẻ và chưa có sản phẩm thực tế nào, với 8 người trong đội ngũ phát triển, đã khiến Google không ngần ngại chi đến 50 triệu USD để mua lại. Và đây có lẽ là một trong những quyết định sáng suốt và thương vụ thành công nhất của Google cho đến ngày hôm nay.
Các “đại gia” di động ban đầu không coi Android là mối đe dọa
Khi mới được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2007, các “ông lớn” trên thị trường smartphone vào thời điểm bấy giờ như Nokia, BlackBerry hay Motorola... không xem Android như là một mối đe dọa với các nền tảng di động của mình.
Thậm chí phát ngôn viên của Nokia vào thời điểm bấy giờ còn tuyên bố “Android không phải là một mối đe dọa”, trong khi lãnh đạo bộ phận phát triển nền tảng di động Windows Mobile của Microsoft vào thời điểm đó cho biết “không hiểu vai trò thực sự của Android là gì”.
Không chỉ vậy, đại diện của nhóm phát triển nền tảng Symbian vẫn đang “làm mưa làm gió” vào thời điểm bấy giờ còn tự tin tuyên bố: “Chúng tôi đã phát triển được 9 năm và từng nhìn thấy hàng chục nền tảng di động mứi xuất hiện để cạnh tranh với chúng tôi. Chúng tôi xem xét những nền tảng này một cách nghiêm túc, nhưng chúng tôi là một nền tảng mạnh với nhiều sản phẩm ra mắt trong thời gian qua”.
Và kết cục đến thời điểm này thì ai cũng đã rõ. Symbian đã bị “khai tử” do quá “già cỗi” và không đủ sức cạnh tranh, Nokia đã phải “bán mình” cho Microsoft, Motorola cũng phải “bán mình” cho Google rồi sau đó là Lenovo, Microsoft phát triển nền tảng Windows Phone để thay thế Windows Mobile nhưng vẫn chưa bao giờ tìm lại được vinh quang xưa trong khi BlackBerry vẫn đang ngấp nghé bên bờ phá sản... trong khi đó Android vẫn đang là nền tảng di động phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Android là sản phẩm công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử
Theo một số liệu thống kê được tạp chí Technology Review của Học việc công nghệ MIT công bố hồi năm 2013 thì Android đã cán mốc 1 tỷ lượt thiết bị được kích hoạt chỉ sau 5 năm nền tảng này xuất hiện lần đầu tiên, giúp Android trở thành hệ điều hành và sản phẩm công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
So sánh với các đối thủ khác, Android cho thấy sự vượt trội tuyệt đối, khi mà nền tảng iOS của Apple phải đạt mốc 700 triệu người dùng sau 6 năm (ra mắt lần đầu năm 2007), nền tảng Symbian đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường smartphone cũng chỉ có 450 triệu người dùng sau 11 năm, cho đến khi nền tảng này bị “khai tử” vào năm 2012 với chiếc smartphone cuối cùng chạy Symbian là Nokia 808 PureView.
Android có thể chạy trên nhiều thiết bị khác nhau, thay vì chỉ smartphone hay máy tính bảng
Android là nền tảng nổi tiếng trên smartphone và máy tính bảng, nhưng không có nghĩa rằng nền tảng Android chỉ sử dụng được trên 2 phân khúc sản phẩm này. Thay vào đó, Android hiện đang được áp dụng trên nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm đồng hồ thông minh, smartTV, máy ảnh kỹ thuật số, các thiết bị gia dụng thông minh, hệ thống giải trí trên xe hơi, máy chơi game...
Các nhà phát triển không mất tiền để xây dựng ứng dụng trên Android
Khác với nền tảng iOS của Apple, khi các nhà phát triển phải trả mức phí 99USD/năm để có thể download bộ công cụ và phát triển các ứng dụng cho nền tảng iOS thì với nền tảng Android, các nhà phát triển ứng dụng có thể download miễn phí bộ công cụ lập trình để xây dựng các ứng dụng hay game trên Android. Hiện các nhà phát triển ứng dụng cho Windows Phone cũng không mất phí khi tải bộ công cụ lập trình ứng dụng.
Tuy nhiên, nếu muốn đăng tải các ứng dụng của mình lên kho ứng dụng Google Play, các nhà phát triển sẽ phải mất khoản phí 25USD (chỉ phải trả một lần duy nhất, thay vì theo năm) cho Google.
Bí mật đăng sau logo chú robot màu xanh quen thuộc của Android
Android quen thuộc với logo một chú robot màu xanh. Logo này được sáng tạo lần đầu vào năm 2007, bởi nhà thiết kế người Mỹ gốc Nga Irina Blok.
Yêu cầu của Google đưa ra là logo của Android cần phải đơn giản và liên quan đến robot (do Android trong tiếng Việt có nghĩa là “người máy”). Và một sự thật thú vị mà ít ai biết được đó là Irina Blok đã lấy ý tưởng về logo của Android từ hình ảnh thường được sử dụng tại cửa các nhà vệ sinh, nơi biểu tượng đàn ông và phụ nữ sử dụng để phân biệt nhà vệ sinh.
Irana Blok đã không còn làm việc tại Google. Hiện tại cô đang là giám đốc sáng tạo của Edmodo, một mạng xã hội về giáo dục.
Cũng như bản thân nền tảng Android, Google khá cởi mở và cho phép người dùng có thể tùy biến, thiết kế lại logo của Android nếu muốn. Google còn ra mắt ứng dụng cho phép người dùng tùy biến logo của nền tảng này, bạn có thể download ứng dụng miễn phí tại đây để có thể tạo cho mình những logo ngộ nghĩnh của Android.
Phạm Thế Quang Huy