Những quốc gia nào đang cấm TikTok và lý do đằng sau lệnh cấm đó?
(Dân trí) - TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Chính phủ nhiều quốc gia đang tìm cách ngăn chặn sự hoạt động của TikTok vì lo ngại người dùng ứng dụng có thể bị lợi dụng để thu thập thông tin trái phép.
Pháp, Hà Lan và Na Uy là những quốc gia mới nhất ban hành lệnh cấm cài đặt và sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp vì lo ngại quyền riêng tư và bảo mật của ứng dụng này.
Vậy TikTok hiện đang bị cấm hoạt động tại những quốc gia nào? Dưới đây là những nước đã ban hành lệnh cấm một phần hoặc cấm hoàn toàn ứng dụng này:
Ấn Độ
Năm 2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok và hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm ứng dụng nhắn tin nổi tiếng WeChat, vì những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật đối với các ứng dụng Trung Quốc.
Lệnh cấm được đưa ra không lâu sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới của 2 nước. Đến tháng 1/2021, chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm đối với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác có hiệu lực vĩnh viễn.
Pakistan
Quốc gia hàng xóm của Ấn Độ, Pakistan, cũng đã ban hành lệnh cấm tạm thời với TikTok ít nhất 4 lần kể từ tháng 10/2020, với lý do lo ngại ứng dụng này truyền bá các nội dung trái đạo đức.
Afghanistan
Chính quyền Taliban của Afghanistan đã cấm TikTok vào năm 2022 với lý do bảo vệ thanh niên khỏi "lầm đường lạc lối" và nội dung TikTok không phù hợp với luật Hồi giáo của quốc gia này.
Anh
Ngày 16/3 vừa qua, Chính phủ Anh đã đưa ra lệnh cấm ngay lập tức ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp, với lý do "tiềm ẩn nhiều rủi ro xung quanh các dữ liệu nhạy cảm của chính phủ bị thu thập và sử dụng bởi các ứng dụng di động".
Các nhà phê bình đánh giá chính phủ Anh đã cấm TikTok quá muộn.
Pháp
Tương tự như chính phủ Anh, ngày 24/3 vừa qua, Pháp đã cấm ban hành lệnh cấm cài đặt các ứng dụng giải trí, bao gồm TikTok, Netflix… trên các thiết bị làm việc của 2,5 triệu công chức quốc gia này.
Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức, nhưng không áp dụng cho smartphone cá nhân của các công chức, không được sử dụng cho mục đích công việc.
"Sau khi phân tích nhiều vấn đề, đặc biệt về mặt bảo mật, chính phủ đã quyết định cấm tải xuống và cài đặt các ứng dụng giải trí trên smartphone được cấp cho công chức nhà nước để phục vụ công việc", chính phủ Pháp cho biết trong một thông cáo đưa ra.
Na Uy
Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl đưa ra một thông báo vào tuần trước rằng "trong các đánh giá rủi ro của các cơ quan tình báo Na Uy, cho thấy Nga và Trung Quốc đang gây ra nhiều yếu tố rủi ro đối với lợi ích an ninh của Na Uy".
Ngoài ra, chính phủ Na Uy cũng đánh giá TikTok có thể bị lợi dụng để lan truyền các thông tin sai lệch và giả mạo.
Bộ Tư pháp Na Uy cho biết các công chức vẫn có thể sử dụng TikTok nếu cần thiết vì lý do chuyên môn, nhưng chỉ trên các thiết bị không được kết nối với mạng của chính phủ.
Bỉ
Vào ngày 10/3 vừa qua, Bỉ tuyên bố cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ sở hữu vì lo ngại các vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch. Lệnh cấm có hiệu lực trong vòng 6 tháng và sẽ được xem xét để gia hạn sau khi hiệu lực kết thúc.
Đan Mạch
Trước đó, vào ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố sẽ cấm sử dụng TikTok đối với nhân viên trực thuộc các đơn vị chính thức, như một biện pháp để đảm bảo an ninh mạng và an ninh quốc phòng. Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết cơ quan tình báo của quốc gia này đã đánh giá cao nguy cơ TikTok bị lợi dụng cho mục đích gián điệp.
Các nhân viên của Bộ Quốc phòng Đan Mạch bị yêu cầu phải gỡ bỏ TikTok trên thiết bị của mình ngay lập tức, nếu họ đã cài đặt ứng dụng này trước đó.
New Zealand
Ngày 17/3 vừa qua, chính phủ New Zealand đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên smartphone của các nhà lập pháp. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 3/2023. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với toàn bộ các nhà lập pháp, mà chỉ có hiệu lực với khoảng 500 nhà lập pháp thuộc quốc hội New Zealand.
Các tổ chức của châu Âu
Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu, đều đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên, với lý do lo ngại về an ninh mạng.
Các tổ chức châu Âu cũng khuyến nghị đại biểu quốc hội và nhân viên chính phủ của các quốc gia thành viên nên xóa TikTok ra khỏi thiết bị cá nhân của họ.
Mỹ
Ngay từ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Mỹ đã nhiều lần đe dọa sẽ "cấm cửa" TikTok, nhưng đến nay vẫn chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra. Thay vào đó, lệnh cấm TikTok chỉ được áp dụng với một số cơ quan chính phủ tại Mỹ.
Đầu tháng 3/2023, chính quyền tổng thống Joe Biden yêu cầu các cơ quan chính phủ phải xóa TikTok ra khỏi các thiết bị liên bang vì lo ngại về bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng với các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp tại Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn TikTok khỏi quốc gia này.
Trước đó, hơn một nửa trong số 50 tiểu bang tại Mỹ cũng đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ.
Cả FBI lẫn Ủy ban Truyền thông Liên bang đã cảnh báo rằng ByteDance (công ty mẹ của TikTok) có thể truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ và chia sẻ dữ liệu này với chính quyền Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát, hiện 2/3 thanh thiếu niên tại Mỹ đang sử dụng TikTok.
Canada
Quốc gia láng giềng của Mỹ là Canada cũng vừa thông báo sẽ cấm các thiết bị của chính phủ cài đặt và sử dụng TikTok, với lo ngại "ứng dụng có thể gây ra rủi ro không thể chấp nhận được với quyền riêng tư và bảo mật".
Thiết bị của các nhân viên chính phủ Canada cũng sẽ bị khóa để không thể tải ứng dụng TikTok trong tương lai.