Những nỗi thất vọng lớn nhất làng công nghệ 2013
Bên cạnh những bom tấn thành công rực rỡ thì năm qua, làng công nghệ cũng chứng kiến không ít vụ xảy chân hay bom xịt. Và những nỗi thất vọng ấy hoàn toàn có thể đến từ những thương hiệu lớn mà bạn yêu mến như Google hay Apple.
Tất nhiên, sự đánh giá nào cũng có thể gây tranh cãi. Một số sản phẩm sẽ vừa xuất hiện ở danh sách Những sản phẩm được khen nhất nhưng lại đồng thời góp mặt ở hạng mục bom xịt. Hoặc cũng có trường hợp, sự thất bại của một sản phẩm hoàn toàn nằm trong dự định của chính nhà sản xuất, nhằm thực hiện một kế hoạch khác lớn hơn.
1. iPhone 5C
Doanh số tiêu thụ của iPhone 5C chỉ bằng một phần nhỏ so với phiên bản đắt tiền hơn là iPhone 5S. Có khá nhiều bài báo đưa tin Apple đã quyết định cắt giảm sản lượng 5C để dồn sức sản xuất iPhone 5S trong mùa mua sắm cuối năm, và rằng sức cầu dành cho 5C thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó. Nhiều nhà phân tích thậm chí còn thắc mắc không hiểu vì sao Apple lại bán ra một sản phẩm như 5C.
Tuy nhiên câu chuyện có thể không đơn giản như vậy. Mới đây, một chuyên gia nêu ra giả thiết rằng có lẽ, Apple đã cố tình để cho iPhone 5C ế. Mục đích cao nhất của hãng này là để có thể tiếp tục bán iPhone 5S với mức giá cao ngất ngưởng mà người dùng không phàn nàn câu nào, đồng thời, iPhone 5C vẫn có thể lôi kéo một bộ phận người dùng từ các nền tảng khác sang với iOS. Có lẽ bức tranh sẽ trở nên rõ ràng hơn trong năm 2014.
2. Các chiến dịch quảng cáo của Apple
Khi Steve Jobs còn sống, các chiến dịch quảng cáo sản phẩm luôn là một đặc sản của Apple vì sự thú vị, hài hước và độc đáo. Nhưng có vẻ như độ "chất" đấy đã không còn nữa. Năm nay, các hình ảnh quảng cáo của Apple trở nên nghiêm túc và khô cứng quá mức. Ngoài nhân viên Apple, có lẽ chẳng ai cảm thấy hào hứng hay thú vị cả.
3. Facebook Home
Facebook Home được cho là nỗ lực lớn của Facebook trong việc thách thức Android, nhưng Google chẳng cần phải làm gì để tiêu diệt đối thủ thì Home đã tự chết trước. Không một ai sử dụng và dòng smartphone đầu tiên trang bị giao diện Home là HTC First cũng nhanh chóng bị khai tử chỉ sau chưa đầy một tháng.
4. Yahoo Mail mới
Người dùng thực sự không thích giao diện được thiết kế lại của Yahoo, vốn bị cho là học theo Gmail nhưng lại không tới nơi tới chốn. Yahoo đã gạt bỏ nhiều tính năng mà người dùng ưa chuộng, tệ hơn nữa, dịch vụ Mail kể từ sau khi cải tiến rất hay trục trặc, khó truy cập.
5. HTC One
Đây là một trường hợp đặc biệt trong danh sách, bởi xét về mặt công nghệ mà nói, One thực sự là một sản phẩm xuất chúng. Trên thực tế, con dế này đã nhận được nhiều giải thưởng về thiết kế điện thoại của năm, cũng như được đánh giá là một trong những sản phẩm công nghệ đỉnh nhất năm 2013. Thậm chí các tín đồ Android còn gọi One là smartphone Android tốt nhất hiện nay, trên tài Samsung Galaxy S4.
Thế nhưng éo le thay, không ai chịu mua con dế tuyệt vời này. HTC One là một thất bại về mặt thương mại, và tại thời điểm đỉnh cao nhất, HTC cũng chỉ bán được 5 triệu chiếc mà thôi. Nguồn cung linh kiện khan hiếm khiến cho sản lượng điện thoại xuất xưởng eo hẹp, càng làm cho tình hình tiêu thụ èo uột hơn.
6. Microsoft Surface RT
Chiếc máy tính bảng cài hệ điều hành Windows RT này đã khiến cho Microsoft tổn thất tới 900 triệu. Rất may là Surface Pro 2 có sức tiêu thụ khả quan hơn.
7. BlackBerry 10
Cuối cùng thì hệ điều hành được chờ đợi của BlackBerry cũng đã chính thức ra mắt, nhưng buồn thay, đó lại là một thất bại tuyệt đối. Không ai hào hứng với BB10 cả và hệ quả là tất cả các smartphone BB10 được tung ra đến nay đều ế ẩm. BlackBerry vật vã cố bán mình nhưng cũng không thành và đang phải sống lay lắt nhờ khoản vay 1 tỷ USD từ một nhóm cổ đông lớn. CEO Thorstein Heins đã ra đi và thương hiệu BlackBerry phải đối mặt với nguy cơ khai tử rõ ràng hơn bao giờ hết.
8. Moto X
Moto X là một chiếc điện thoại ổn trên mọi phương diện, nhưng cũng như HTC One, nó lại là một bom xịt trên thị trường. Hầu như rất ít người bỏ tiền ra mua Moto X bất chấp Google đã chi tiền marketing cho siêu phẩm này rất bạo tay.
9. Ứng dụng Poke của Facebook
Cuối năm 2012, Facebook cố gắng hủy diệt ứng dụng chia sẻ ảnh gây tranh cãi Snapchat bằng Poke, vốn bị cho là một bản sao vô tính của Snapchat. Nhưng trong khi Snapchat tăng trưởng người dùng như diều gặp gió thì Poke lại ế ẩm đìu hiu, không một bóng khách. Như để xát muối thêm vào lòng Facebook, Snapchat tiếp tục từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 1 tỷ USD từ công ty của Mark Zuckerberg.
10. Samsung Galaxy Gear
Chiếc đồng hồ thông minh này của Samsung là một nỗi thất vọng lớn khi có quá nhiều lỗi và nhiều chức năng vận hành không đúng như kỳ vọng. Bản thân Samsung cũng đã bắt tay vào việc phát triển phiên bản thứ hai của Gear.
Theo Trọng Cầm
Vietnamnet/Business Insider