Những dự đoán thiên tài của tỷ phú Bill Gates từ 20 năm trước
(Dân trí) - Cùng nhìn lại những dự đoán chính xác của Bill Gates về xu thế công nghệ từ những thập niên 90 - thời điểm mà nhiều dịch vụ nổi tiếng ngày nay còn đang nằm trong "cái nôi" hoặc chưa hề được hình thành ý tưởng.
Vào năm 1999, tỷ phú Bill Gates từng viết một cuốn sách có tựa đề "Business @ the Speed of Thought" (tạm dịch là "Tốc độ tư duy"), trong đó chỉ ra 15 luận điểm mà theo phần đông người đọc là khá "viển vông". Tuy nhiên giờ đây, tức gần 20 năm sau, chúng ta mới giật mình nhìn lại và thấy những luồng suy nghĩ của tỷ phú gia đại tài là chính xác như thế nào.
Dưới đây là những dự đoán chính xác của Bill Gates về xu thế công nghệ, được ông truyền tải qua cuốn sách "Tốc độ tư duy" của mình.
1. Các website so sánh giá
Trong cuốn sách của mình, Gates nói "Các dịch vụ so sánh giá tự động sẽ phát triển trong tương lai, cho phép mọi người trên thế giới xem giá cùng lúc tại nhiều website, và qua đó dễ dàng tìm thấy sản phẩm rẻ nhất trong tất cả các lĩnh vực".
Dự đoán trên nhanh chóng trở thành hiện thực với một loạt dịch vụ nổi tiếng trên thế giới như NexTag, PriceGrabber. Ngay cả những ông lớn như Google, Amazon,... cũng tích hợp thêm dịch vụ so sánh giá, giúp người dùng mua hàng giá rẻ được thuận tiện hơn.
2. Thiết bị di động
Như chúng ta đã biết, thì iPhone được Steve Jobs ra mắt vào năm 2007, kéo theo một kỷ nguyên bùng nổ của smartphone ngay sau đó. Tuy nhiên Bill Gates đã dự đoán trước xu thế này trước đó gần 10 năm.
Ông nói: "Mọi người trên thế giới sẽ mang theo những thiết bị nhỏ cho phép họ liên tục giữ liên lạc và thực hiện các hoạt động kinh doanh từ bất cứ nơi nào. Họ có thể kiểm tra tin tức, xem các chuyến bay đã đặt, kiểm tra thông tin thị trường tài chính và làm bất cứ điều gì khác trên thiết bị này. "
3. Thanh toán trực tuyến, tài chính online
Bill Gates từng sớm dự đoán rằng "con người sẽ trả các hóa đơn của họ, tham gia các dịch vụ tài chính, hoặc thậm chí liên lạc với bác sĩ riêng qua Internet". Giờ đây mọi tiên đoán của ông đều trở thành sự thật, khi mà hình thức thanh toán trực tuyến đang lên ngôi, và Internet đang làm quen với những khái niệm như "đồng tiền ảo", "ví điện tử", "ngân hàng online",...
4. Trợ lý ảo và Internet of Things
Vào năm 1997, nhà đồng sáng lập của Microsoft đã nhận định: "Những dịch vụ đóng vai trò là "người bạn cá nhân" của người dùng sẽ phát triển. Chúng sẽ đóng vai trò kết nối và đồng bộ hóa tất cả các thiết bị của bạn một cách thông minh, đồng thời có thể trao đổi dữ liệu bất kể bạn đang ở nhà hay tại văn phòng."
Ông còn đưa ra những mô tả chi tiết hơn, điển hình như việc cho rằng thiết bị này có thể "kiểm tra email hoặc thông báo của bạn", "hiển thị thông tin mà chúng ta cần tìm kiếm". Khi đi mua hàng, nó "giúp tạo ra một danh sách để chúng ta mua hàng, đưa ra lịch trình cụ thể và điều chỉnh thời gian biểu của chúng ta cho hợp lý."
Rõ ràng, những dự đoán của Bill Gates tỏ ra hoàn toàn chính xác với mô hình trợ lý ảo "Virtual Assistant" ngày nay hướng đến. Các dịch vụ như Google Now, Siri, Amazon Echo,... hiện cũng hỗ trợ người dùng trong các hoạt động như mua sắm, kiểm tra thông tin, lên lịch phù hợp và đồng bộ các thiết bị điện tử xung quanh (IoT).
5. Mạng xã hội
Vào năm 2005, Mark Zuckerberg lần đầu tiên giới thiệu tới khái niệm mạng xã hội, thật ra chỉ là mô hình "bảng tin" giúp những người bạn học cùng liên lạc với nhau dễ dàng hơn. Hơn 10 năm sau, mạng xã hội có tên Facebook ấy thu hút 2 tỷ người dùng trên thế giới, trở thành dịch vụ "không thể thiếu", cùng với nhiều dịch vụ khác như Snapchat, Instagram, WhatsApp, hay Messenger.
Tuy nhiên ít ai biết rằng Bill Gates mới là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về mạng xã hội thông qua cuốn sách được xuất bản vào năm 1997 của ông. Trong đó, Gates viết: "Các trang web riêng tư dành cho những người bạn và thành viên của gia đình bạn sẽ trở nên phổ biến, cho phép chúng ta trò chuyện và lên kế hoạch cho các sự kiện".
Đáng tiếc là Bill Gates đã không thể cụ thể hóa ý tưởng của mình, nếu không thì ngày nay rất có thể Mark Zuckerberg sẽ chỉ là một anh kỹ sư lập trình tại thung lũng Silicon mà chẳng mấy ai biết tới.
Nguyễn Nguyễn
Theo BI