Những điều đáng cân nhắc trước khi đầu tư vào thị trường tiền ảo
(Dân trí) - Sự gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn giá trị đã khiến ngay cả những chuyên gia về bitcoin cũng cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn trước khi đưa ra quyết định mua hoặc bán trong thời điểm này.
Trong lúc bạn đọc bài viết này, thì đồng tiền ảo bitcoin đã liên tiếp phá vỡ những kỷ lục do chính nó đặt ra, và được kỳ vọng sẽ chạm ngưỡng 20.000 USD vào cuối tuần này. Đây là một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc với bất kỳ đồng tiền hay vật phẩm nào trên thế giới. Đừng quên rằng chỉ một tháng trước đây, bitcoin mới đạt trị giá 7.000 USD, và đã khiến cộng đồng xôn xao.
Đà tăng trưởng chóng mặt, đầy vẻ hào nhoáng của bitcoin đã khiến nó cùng những đồng tiền ảo khác (như ethereum, litecoin) trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với không chỉ trong mắt của các nhà đầu tư, mà cả những người dù ít có kiến thức về chúng.
Tuy nhiên trước khi đi đến quyết định đầu tư vào đồng tiền ảo nào trong bối cảnh có ngày một nhiều khái niệm được "mọc" lên xung quanh nó như "bitcoin cash", "vàng bitcoin", hay "kim cương bitcoin"; hãy cùng điểm qua những lý do đáng cân nhắc và nắm được những rủi ro có thể gặp phải trong thị trường đầy biến động này.
Bitcoin đồng nghĩa với một bong bóng lớn nhất trong lịch sử
Rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc bitcoin có phải là một "bong bóng", liên tục phình to nhưng không biết bao giờ sẽ nổ. Tuy nhiên trong biểu đồ được đưa ra bởi Convoy Investments, chúng ta có thể khẳng định rằng nó chính là bong bóng lớn nhất trong lịch sử, vượt qua cả cơn hỗn loạn nổi tiếng mang tên "Tulip mania" ở Hà Lan vào những năm 1600 cũng như "bong bóng" Mississippi vào năm 1700. Bitcoin cũng có quy mô và sự biến động vượt trên rất nhiều so với bong bóng dot-com vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000.
Sự gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn giá trị đã khiến ngay cả những chuyên gia về bitcoin cũng cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn. Người sáng lập dịch vụ ví tiền ảo Coinbase là Brian Armstrong đã viết trong một bài đăng trên blog của mình, cho rằng giá bitcoin sẽ rất dễ bay hơi, và người ta nên "đầu tư một cách có trách nhiệm" vào đồng tiền ảo này.
Ngay cả Mike Novogratz, một nhà quản lý quỹ đầu tư nổi tiếng cũng nhận định bitcoin là "bong bóng lớn nhất trong lịch sử loài người". Nhà sáng lập của Litecoin thì cho rằng việc mua bitcoin vào thời điểm này là vô cùng mạo hiểm, và nó có thể đánh mất tới 90% giá trị trong nhiều năm tới.
Điều đáng sợ nhất của bitcoin chính là việc không ai biết được người, hay tổ chức nào đứng sau đồng tiền ảo trị giá bậc nhất thế giới. Nếu như có bất kỳ điều gì xảy ra với chúng, sẽ không có một cơ quan nhà nước hay nhóm doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm trực tiếp, mà buộc phải hướng sự chỉ trích vào các sàn giao dịch tiền ảo - vốn chỉ là người trung gian mà thôi.
Những điểm yếu của bitcoin
Cũng giống như đá Kryptonite luôn được biết đến như là một điểm yếu chí tử của Superman trong các bộ phim điện ảnh trên truyền hình mà bất cứ đối thủ nào cũng mong muốn lợi dụng để chống lại anh, Bitcoin cũng tồn tại nhiều điểm yếu ấn chứa nhiều rủi ro trong từng giao dịch của người dùng.
Trong một thương vụ với nhân vật chính là những món tiền trị giá hàng chục ngàn, thậm chí hàng triệu USD, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, về việc liệu bạn có mua nó thành công, liệu thông tin giao dịch có được bảo mật, và quan trọng hơn đó là số tiền của bạn có được giữ một cách cẩn thận.
Thế nhưng vẫn có đó những vụ "sập sàn" bitcoin xảy ra không chỉ ở Trung Quốc, mà còn diễn ra ngay trên đất Mỹ, và gần đây nhất là vụ hacker "cuỗm" 4,7 triệu bitcoin từ NiceHash - dịch vụ trung gian mua bán hash hàng đầu hiện nay.
Cần nhớ rằng bản thân quá trình mua/bán bitcoin vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn vì thường mất đến vài phút mới hoàn thành giao dịch - chứ không diễn ra nhanh chóng như việc thanh toán trên Visa chẳng hạn. Ngoài ra, do việc "đào" và duy trì bitcoin cũng yêu cầu một lượng điện năng lớn, tương đương với cả một quốc gia ở châu Âu, nên các hacker có thể dễ dàng khai thác yếu tố này để đánh sập một hệ thống nhỏ lẻ nào đó để thực hiện ý đồ của mình.
Lạm phát
Đáng chú ý hơn cả, đó là đà tăng trưởng của bitcoin chính là sản phẩm không thể tốt hơn dành cho thời kỳ sau khủng hoảng, được biết đến như các gói kích thích tiền tệ từ các ngân hàng trung ương toàn cầu. Vừa mới đây thì bảng cân đối của Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng từ 800 tỷ USD lên tới hơn 4 nghìn tỷ.
Đi kèm với đó là sự thất bại của các tập đoàn tài chính hàng đầu như Lehman Brothers, Bear Sterns và Washington Mutual khiến người ta không thể không tạo ra một ấn tượng về sự mỏng manh và dễ bị tổn thương trong hệ thống ngân hàng trong thời điểm lãi suất cực thấp.
Bitcoin cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm này, khi theo thống kê hiện chỉ có 21 triệu đồng btc được khai thác trong nhiều năm tới. Trong khi đó, lại có quá nhiều người tham gia "đào", khiến nó càng trở nên đội giá nhiều lần so với thực tế. Cuối cùng khi đã bị đẩy lên nấc quá cao, nhà đầu tư sẽ trở lại với phương thức truyền thống đó là đổi sang các kim loại quý như vàng, bạc, kim cương.
Nguyễn Nguyễn
Theo CBS