Những công nghệ từng "khuynh đảo" trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại

(Dân trí) - Khi công nghệ tiến bộ, những thứ dẫu được xem là sáng tạo và đột phá cũng sẽ đến lúc trở nên lỗi thời, và biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta theo một quy luật tất yếu.

1. Tiệm rửa ảnh

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 1

Trước thời đại của máy ảnh kỹ thuật số, chụp ảnh đồng nghĩa với việc bạn phải dùng máy ảnh phim (analog), và vô cùng cẩn thận cho mỗi tấm ảnh vì không có chế độ xem trước, cũng như cần phải rửa phim mỗi khi chụp xong.

Chính bởi lẽ đó mà vào thời hoàng kim, các tiệm rửa ảnh có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, thậm chí từng có cả dãy phố bán phim để chụp ảnh, và tất nhiên kèm luôn dịch vụ rửa ảnh.

Theo thống kê của Business Insider vào năm 1993, nước Mỹ có hơn 14.000 điểm rửa ảnh, thì đến năm 2015 chỉ còn khoảng 190 địa điểm để người yêu nhiếp ảnh phim lui tới. Tại Việt Nam, số lượng các dịch vụ rửa ảnh phim cũng đã thu gọn hơn rất nhiều so với những năm của thập niên 80-90.

2. Đĩa mềm

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 2

Trong suốt hai thập kỷ qua, mọi máy tính đều đi kèm ổ đĩa mềm. Tại thời điểm ấy, đĩa mềm là công cụ lưu trữ di động tiện lợi trước khi các ổ flash drive ra đời.

Nó thậm chí trở thành biểu tượng cho tính năng "lưu trữ" trên các chương trình phần mềm máy tính hiện nay, mà giới trẻ có lẽ không mấy ai biết được nguồn gốc của nó.

Điểm bất tiện nhất khiến đĩa mềm trở nên lỗi thời là khả năng lưu trữ hạn hẹp, với chỉ 1.2MB hoặc 1.4MB. Trong khi các ổ USB hiện nay đã có khả năng lưu trữ đến hàng TB.

 

3. Trợ lý số cá nhân (PDA)

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 3

Personal Digital Assistant (viết tắt là PDA) từng là một "cơn bão" vào những năm đầu của thập niên 90. Đây chính là thiết bị tiền thân của smartphone, khi mang đến cho người dùng trải nghiệm của một máy tính thu gọn, có thể bỏ túi quần.

Những chiếc PDA có thể lưu trữ thông tin cuộc gọi, chạy ứng dụng, chơi game, nghe nhạc, truy cập Internet.

Kẻ "giết chết" PDA không ai khác chính là iPhone khi nó được ra mắt vào năm 2007, với khả năng thay thế hoàn toàn PDA và hoàn thiện hơn ở mọi góc độ.

4. Máy chiếu dùng tấm phim

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 4

Máy chiếu là một thiết bị khá phổ biến hiện nay, khi dùng kết nối HDMI để chiếu lên hình ảnh trực tiếp từ thiết bị laptop hoặc máy tính.

Tuy nhiên trước đó, để sử dụng máy chiếu thì người dùng phải đặt lên các tấm phim mỏng, trong suốt. Sau đó, sẽ có một luồng ánh sáng mạnh đi qua tấm phim, và hình ảnh phản chiếu sẽ được phát lên tấm slide.

Máy chiếu dạng này từng là lựa chọn cố định tại các trường học và văn phòng từ khoảng 50 năm trước. Tuy nhiên nó đã bị thay thế hoàn hảo bởi máy chiếu hiện đại.

5. Máy nghe nhạc MP3

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 5

Cũng giống như PDA, máy nghe nhạc MP3 từng "chói sáng" vào những năm của thập niên 90, nhưng dần dần bị thay thế bởi smartphone.

Ngay cả Apple cũng từng thừa nhận chính họ đã tự "bắn vào chân" khi ra mắt iPhone, bởi khi ấy, nhu cầu sử dụng iPod sụt giảm hẳn. Steve Jobs từng nói: "iPhone chính là chiếc iPod thành công nhất mà chúng tôi từng mang đến".

Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng vẫn kéo dài tới nay, dẫu còn rất ít máy nghe nhạc MP3 còn sót lại trên thị trường. Ưu điểm của nó là nhỏ gọn và nhẹ hơn smartphone nếu như bạn chỉ cần đến tính năng nghe nhạc.

6. Điện thoại công cộng

Những công nghệ từng khuynh đảo trong quá khứ, nhưng đang biến mất khỏi cuộc sống hiện đại - 6

Điện thoại công cộng (Phone Booth) từng là một biểu tượng trong quá khứ. Chúng xuất hiện trước khi điện thoại di động trở thành trào lưu, và là cách duy nhất để bạn liên lạc với người khác khi đang ở ngoài đường.

Theo thống kê, có tới 2 triệu trạm điện thoại công cộng tại Mỹ vào năm 1999, nhưng cho tới nay chỉ còn sót lại khoảng 100.000 chiếc. Tại Việt Nam, những trạm điện thoại công cộng cuối cùng đã bị xóa sổ từ lâu, khiến giới trẻ ngày nay có lẽ không còn cơ hội để tiếp cận chúng.

Nguyễn Nguyễn