Những 9x bỏ việc lương 3.000-4.000 USD để đầu quân cho Viettel
(Dân trí) - Không ít nhân sự đang nhận mức lương "khủng" đã chuyển sang làm việc tại Viettel, xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc dẫn đường cho thành quả lớn.
Với 17.000 server, đứng trong top 19% những doanh nghiệp điện toán đám mây hàng đầu thế giới, hạ tầng cloud của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel đang đứng đầu Đông Nam Á.
Ít người biết rằng thành tựu này có được nhờ việc lãnh đạo Tổng Công ty này "đặt cược" vào đội ngũ trẻ.
Được biết tới với danh xưng "Đại sứ của kỷ nguyên số"; "Thủ lĩnh của những công nghệ ngang tầm thế giới" hay "Tiên phong điện toán đám mây Việt", Lê Quang Hiếu từ lâu đã nổi tiếng trong cộng đồng điện toán đám mây (Cloud Computing) mã nguồn mở OpenStack. Trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu - trung tâm lớn nhất của Tổng công ty Mạng lưới Viettel - Viettel Networks chỉ sau 1 năm đầu quân, Hiếu là một nhân sự quan trọng được lãnh đạo Viettel "đặt cược".
Tuy nhiên, ở Viettel Networks, Lê Quang Hiếu còn được biết tới như một cây cầu nối đặc biệt. Chàng trai sinh năm 1989 là người kết nối giữa công nghệ cũ và mới, giữa thế hệ 9x với văn hóa Viettel hay Việt Nam với cộng đồng công nghệ điện toán đám mây mã nguồn mở toàn cầu.
"Khi còn làm cho công ty của Nhật Bản, tôi tham gia viết mã nguồn mở, đóng góp thiết kế cho sản phẩm. Tuy nhiên, thành tựu đó được tính hết cho Nhật Bản. Khi tham gia các hội thảo toàn cầu, Việt Nam không sáng trên bản đồ những quốc gia có đóng góp cho công nghệ này. Tôi cảm thấy tự ái, không muốn làm cho nước ngoài nữa mà muốn đóng góp cho Việt Nam", Lê Quang Hiếu chia sẻ về lý do ban đầu đưa anh về với Viettel Networks.
Hiện tại, điện toán đám mây vẫn mới và khó hiểu đối với đại đa số người dùng. Vài năm trước, cloud còn xa lạ hơn rất nhiều. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam, Lê Quang Hiếu nhận thấy Tập đoàn Viettel thực sự là môi trường đáng để thử.
"Hạ tầng của Viettel rất khổng lồ, không chỉ ở Việt Nam mà còn 10 quốc gia khác. Hạ tầng của Viettel cũng có một bề dày lịch sử, có những máy chủ, hạ tầng thiết bị được sử dụng mười mấy năm rồi. Tích hợp cloud với những hạ tầng này là bài toán khó và chúng tôi mong muốn có thể giải được", Lê Quang Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh đó, một điểm cuốn hút Hiếu đến Viettel Networks là văn hóa Viettel. Trong suy nghĩ của nhiều người, một bộ máy khổng lồ, quy mô lớn với bề dày lịch sử có thể là rào cản cho điện toán đám mây. Tuy nhiên, với Lê Quang Hiếu và những cộng sự trẻ tuổi ở công ty này, văn hóa nhà binh, nhất nhất đồng lòng chinh phục thử thách, chính là nhân tố quan trọng bậc nhất để có thể thành công.
Về Viettel Networks một mình, Lê Quang Hiếu từng bước xây dựng đội ngũ với những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây mã nguồn mở của Việt Nam. Dù được lãnh đạo tạo điều kiện nhưng bản thân anh cũng phải vượt qua những rào cản to lớn để có đội ngũ của riêng mình.
"Các bạn mới ra trường, chỉ có 2-3 năm kinh nghiệm, đã được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mời gọi tuyển dụng với mức lương 3-4.000 USD. Trong khi đó, về Viettel thì không thể có mức lương khởi điểm cao như thế", Lê Quang Hiếu chia sẻ về một trong những thách thức lớn nhất.
Tuy nhiên, bài toán đó đã được giải một cách nhanh chóng bởi niềm tin mà những cộng sự 9x chọn đặt vào Lê Quang Hiếu và Viettel. Họ tin rằng, ở Viettel Networks, mức lương có thể chưa thật cao nhưng đủ tốt. Đó lại là nơi duy nhất giúp họ được trau dồi kiến thức và giải những bài toán khổng lồ mang tầm thế giới (Viettel đang tiến hành chuyển đổi số ở 10 thị trường nước ngoài mà Tập đoàn này đầu tư).
"Văn hóa Viettel với tính quyết liệt cao, bất chấp khó khăn, trở ngại để đạt được mục tiêu lại đem đến quyết tâm lớn hơn cho các bạn trẻ 9x. Kỷ luật ở Viettel chính là hết mình vì mục tiêu cuối cùng của nhóm, của tổ chức", Lê Quang Hiếu chia sẻ.
Khác biệt hoàn toàn với phong cách quần bò, áo phông, nói toàn ngôn từ kỹ thuật tại các hội nghị quốc tế, những người trẻ làm cloud ở Viettel Networks học cách ăn mặc chỉnh tế, giải thích một cách dễ hiểu khi tới thuyết trình cho các bộ, ban, ngành và cơ quan chính phủ về điện toán đám mây.
"Ban đầu, các bạn hơi lúng túng, nhìn khá buồn cười. Sau đó, họ quen dần và cảm thấy đây là một trải nghiệm thú vị và khác biệt hoàn toàn so với các bạn khi chưa về Viettel Networks. Nói về kỹ thuật mà phải hạn chế sử dụng các từ ngữ kỹ thuật cũng giúp các bạn trẻ hoàn thiện chính mình", Lê Quang Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Viettel nói riêng và cả Việt Nam nói chung đều "chưa sáng" trên bản đồ những quốc gia có đóng góp cho công nghệ điện toán đám mây mã nguồn mở. Ngoài những người có chuyên môn và khát vọng cống hiến, sự đặt cược mà các lãnh đạo Viettel dành cho đội ngũ của Lê Quang Hiếu là chìa khóa quan trọng của thành công.
"Ban đầu, các thủ trưởng đều biết rõ điện toán đám mây là xu hướng tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có gì nổi bật. Theo đuổi điện toán đám mây đồng nghĩa là sẽ phải đặt cược", Lê Quang Hiếu chia sẻ.
Khi đầu quân cho Viettel Networks, mảng điện toán đám mây chỉ có 1 mình Lê Quang Hiếu. Tuy nhiên, trái với yêu cầu tăng năng suất lao động ở các bộ phận khác của tập đoàn Viettel, Hiếu được các lãnh đạo cho phép tuyển dụng mạnh để đạt được những mục tiêu tham vọng. Sau 2 tháng, nhóm của Hiếu có 10 người nhưng đồng thời phải thực hiện những KPI "khủng".
"Có những mục tiêu, chúng tôi cho rằng phải mất 6 tháng để hoàn tất nhưng các sếp bảo chỉ làm trong 1-2 tháng thôi. Thế giới làm rồi, nhân sự có kinh nghiệm rồi nên các lãnh đạo muốn làm trong thời gian ngắn. Các sếp có quan điểm mình phải khác biệt và nhanh nhất để có thể phục vụ kinh doanh", Lê Quang Hiếu chia sẻ.
Sau khi thử nghiệm sản phẩm, đội ngũ của Hiếu xin phép chuyển một số dịch vụ Viettel đang triển khai phục vụ khách hàng lên hạ tầng mới và được chấp nhận. Chứng minh được hiệu quả trên môi trường nhỏ, các mục tiêu lớn hơn cũng sẵn sàng. Năm 2019, Viettel Networks cắt 30% dịch vụ đang được triển khai lên hạ tầng mới. Sau đó, năm 2020, mục tiêu là 80%. Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nền tảng Viettel Cloud, hạ tầng điện toán đám mây có đóng góp chủ lực của Viettel Networks đã đạt chuẩn "Make in Vietnam" đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.
Không chỉ tạo điều kiện, lãnh đạo Viettel cũng là những người luôn sẵn sàng học hỏi. Khi nhóm của Hiếu xung phong đứng ra đào tạo cho đồng nghiệp ở công ty về điện toán đám mây, Tổng giám đốc cũng trực tiếp tham gia và lắng nghe. Theo Hiếu, việc đào tạo không chỉ giúp mọi người có thêm hiểu biết mà còn giúp kết nối với những người trẻ, mới về làm mảng cloud với phần còn lại của công ty.
Một điểm mà Hiếu cũng cảm thấy may mắn khi làm ở Viettel Networks chính là tinh thần người lính. "Khi trao đổi, các lãnh đạo tạo điều kiện cho anh em tranh luận thoải mái. Tuy nhiên, sau khi đã kết luận, mọi người đều phải tuân thủ và làm việc cực kỳ nghiêm túc để đạt mục điêu đó", Hiếu nói.
Bản thân cũng là một chỉ huy nhưng dù còn ít tuổi, quyết định Hiếu đưa ra cũng rất được mọi người tôn trọng và dồn toàn tâm toàn sức theo đuổi dù những người thực hiện kế hoạch đó là những thành viên 9x trong đội ngũ làm cloud hay "các anh" là ở những bộ phận khác của công ty. Mới đây, Lê Quang Hiếu được lãnh đạo Tập đoàn Viettel bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu.
Ngoài ra, việc các bạn trẻ sẵn sàng về làm việc ở một môi trường mà với bên ngoài, có tiếng là khắc nghiệt và kỷ luật là điều khiến Hiếu ấn tượng. Đặc biệt, việc chưa ai nghỉ dù các doanh nghiệp khác đề nghị trả lương cao gấp 3, thậm chí gấp 4 lần so với Viettel, càng làm người đóng vai trò cầu nối, tiên phong như Hiếu vô cùng cảm động.
Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội. Mới đây, Tổng Công ty này đã được Nhà nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019.
Năm 2017, Viettel Networks chỉ mất 6 tháng xây dựng và khai trương mạng 4G lớn nhất Việt Nam, hiện đại nhất thế giới với công nghệ 4 thu 4 phát; đồng thời lập kỷ lục nhanh nhất thế giới về triển khai một mạng viễn thông liền mạch toàn quốc. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đã triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G, công nghệ NB-IoT và nền tảng công nghệ Cloud (điện toán đám mây),… phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0.