Nhu cầu lưu trữ dữ liệu tập trung khi ngành y tế số hóa
(Dân trí) - Tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh gọn và tiện lợi, khả năng kiểm soát thông tin chi tiết, rõ ràng là lợi ích người bệnh nhận được, khi sử dụng ứng dụng chăm sóc sức khỏe thay cho các phương thức khám chữa bệnh truyền thống.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ thông minh, trong đó có ứng dụng chăm sóc sức khỏe đang gia tăng khi sức khỏe trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Chuyển đổi số ngành y tế gần như đầy đủ những điều kiện về độ rộng của thị trường và nền tảng công nghệ để có được bước nhảy vọt.
Bà Annie Nguyễn, đại diện Amaz Technology, đơn vị phát triển hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trực tuyến chia sẻ: "Chúng tôi thấu hiểu những trải nghiệm không tốt trong quá trình khám chữa bệnh truyền thống. Với sự hỗ trợ của điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, quy trình khám chữa bệnh được tinh gọn, tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lại và phòng chống nguy cơ lây nhiễm chéo của bệnh nhân. Chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và cả gia đình sẽ không còn là nỗi lo thường trực của người dân".
Theo Amaz Technology, việc chuyển đổi số ngành y tế sẽ diễn ra ở nhiều phương diện.
Đầu tiên là y bạ điện tử. Một bộ hồ sơ bệnh án khi được số hóa sẽ giúp dễ dàng tra cứu từ bất cứ thiết bị nào như điện thoại, máy tính. Bệnh nhân và bác sĩ đều có thể dễ dàng quản lý, tổng hợp thông tin nhanh chóng nhằm đưa ra chẩn đoán và phương án điều trị phù hợp, nhất là bệnh nhân có thể trạng đặc biệt cần chú ý như bệnh nền, chỉ số BMI, di truyền.
Ngoài tính tiện lợi, hồ sơ bệnh còn là những nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh và thuốc mới nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai là tiếp cận bệnh nhân từ xa. Bệnh nhân vốn là những người có thể trạng không tốt. Mỗi lần khám bệnh phải trải qua quá trình di chuyển tốn kém chi phí, thời gian và có nguy cơ lây nhiễm tại bệnh viện khiến tình trạng có thể trở nên nghiệm trọng hơn, việc cải thiện sức khỏe trong quá trình điều trị cũng gặp khó khăn.
Những ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên thị trường đã bắt đầu giúp cho bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn thông qua tư vấn bệnh trực tuyến, sàng lọc lâm sàng từ xa sau đó mới đưa ra chỉ định xét nghiệm hoặc khám trực tiếp.
Bệnh nhân có thể lựa chọn dịch vụ xét nghiệm tại nhà hoặc tại bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cập nhật trên y bạ điện tử của người bệnh giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị.
Ngoài việc giảm tải phòng khám và bệnh viện, tâm lý ngại khám chữa bệnh dẫn đến tự mua thuốc tự chữa bệnh cũng sẽ được cải thiện.
Các thiết bị thông minh như điện thoại, đồng hồ hay các camera giám sát thông minh đặt ở nơi công cộng kết hợp với các ứng dụng có thể thu thập dữ liệu cảnh báo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, cập nhật dữ liệu lên y bạ điện tử. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dự đoán và chủ động kết nối với bác sĩ khi người dân trong tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, sốc, tai nạn, trong thời gian ngắn nhất.
Thứ ba là thuốc và phân phối thuốc. Đơn thuốc được bác sĩ kê sẽ cập nhật trên y bạ điện tử để bệnh nhân có thể mua thuốc thông qua các ứng dụng của nhà thuốc và được chuyển đến tận nhà. Các đơn vị sản xuất và nhập khẩu có thể dựa vào số liệu để phân phối thuốc đủ nhu cầu của cộng đồng tránh tình trạng khan hiếm thuốc, không có thuốc chữa bệnh.
Cũng theo đại diện Amaz Technology, chuyển đổi số cho y tế cần được đầu tư đúng mực về nền tảng. Công nghệ cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số ngành y tế là điện toán đám mây (Cloud) và AI. Các trung tâm dữ liệu (Data center) không chỉ là máy chủ đầu mối để vận hành các ứng dụng mà còn là nơi lưu trữ những dữ liệu quan trọng trong ngành y tế như dữ liệu bệnh nhân, dược phẩm.
Việt Nam có gần 100 triệu dân chưa tính cộng đồng người nước ngoài. Nếu các dịch vụ y tế được số hóa, lượng dữ liệu là vô cùng lớn. Việc này đòi hỏi những nền tảng công nghệ phải đáp ứng khả năng nở rộ của lượng dữ liệu lớn kể trên.
Western Digital - thương hiệu thiết bị lưu trữ hàng đầu thế giới, đã xác định chuyển đổi số là nhu cầu rất lớn ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có ngành y tế. Thương hiệu này đã ra mắt hai mẫu ổ đĩa cứng dành cho Data Center là Ultrastar DC HC670 UltraSMR 26TB và ổ cứng Ultrastar DC HC570 22TB được trang bị những công nghệ tiên tiến gia tăng hiệu suất lưu trữ, truyền dữ liệu.
Nó cho phép những đơn vị cung cấp công nghệ Cloud tối ưu hiệu suất phục vụ. Ngoài ra, Western Digital còn tung ra giải pháp lưu trữ WD Purple Pro dành riêng cho các camera thông minh cho mục đích giám sát và định vị những người có vấn đề về sức khỏe.