Nhìn thấy gì từ “cái bắt tay” giữa Apple và Microsoft?

(Dân trí) - Sự xuất hiện của Microsoft trên sân khấu của sự kiện Apple ra mắt sản phẩm mới vào ngày 9/9 vừa qua cùng với cái bắt tay thân thiết giữa 2 nhà lãnh đạo của Microsoft và Apple đã trở thành điểm thu hút của giới công nghệ. Vậy phía sau đó là gì?

Đối với giới công nghệ cũng như giới kinh doanh, đầu tư, hình ảnh một giám đốc điều hành của Microsoft xuất hiện tại sự kiện của Apple diễn ra hôm 9/9 tại thành phố San Francisco là một điều bất ngờ. Bởi lịch sử của 2 gã khổng lồ công nghệ luôn là sự kèn cựa, kình địch lẫn nhau. Steve Jobs từng nổi tiếng với câu nói rằng Microsoft chẳng có tí thi vị gì. Câu nói này đã xuất hiện trong cuốn tự truyện về người sáng lập ra Apple.

Tuy nhiên, thời gian đã thay đổi.

Tại sự kiện của mình, Apple đã ra mắt chiếc máy tính bảng iPad Pro với màn hình lớn 12,9 inch nhằm phục vụ những người muốn sử dụng trong công việc.

“iPad Pro rõ ràng sẽ cho thấy tầm nhìn của chúng tôi đối với tương lai của điện toán cá nhân”, CEO Tim Cook nhấn mạnh. “Chỉ cần chạm nhẹ trên tấm màn hình đa cảm ứng sẽ truyền tới bất cứ những gì mà bạn muốn”.

Nhìn thấy gì từ  “cái bắt tay” giữa Apple và Microsoft? - 1

Phil Schiller, Giám đốc marketing của Apple (phải) và ông Kirk Koenigsbauer, Phó Chủ tịch bộ phận Office của Microsoft 

Tất nhiên, để là “bạn đồng hành” tại các công sở thì rõ ràng Apple cần phải biết điều gì mới là quan trọng trên iPad. Đó chính là bộ ứng dụng văn phòng hiệu quả. Và điều thú vị chính là Apple đã bắt tay với Microsoft để đưa ứng dụng Office Suite lên chiếc máy tính bảng mới nhất của mình.

Sự kết hợp giữa 2 ông lớn từng là “kẻ thù không đội trời chung” đã mở đầu bằng màn bắt tay giữa ông Kirk Koenigsbauer, Phó Chủ tịch bộ phận Office của Microsoft và ông Phil Schiller, Giám đốc marketing của Apple, trên sân khấu của sự kiện trước hàng nghìn khách tham dự.

Và khi Phó Tổng giám đốc bộ phận Microsoft bước ra, ông Schiller chào đón bằng câu nói: Vâng, người đàn ông này biết rất rõ về hiệu suất”. Câu nói này đã khiến cả khán phòng bất ngờ nhưng một tràng vỗ tay đã vang lên như ngụ ý về sự chào đón đối với thương vụ bắt tay giữa Microsoft và Apple.

Đối với Microsoft, dưới thời của CEO Satya Nadella, với chiến lược Di động là trên hết, Đám mây là trên hết, hãng phần mềm Mỹ đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của riêng mình. Microsoft đang nhắm tới càng nhiều người dùng càng tốt, và Microsoft đã sẵn sàng để bắt tay với các đối thủ.

CEO Satya Nadella đã cho thấy chiến lược “mở cửa” của mình là có lý do, và mục tiêu của ông là sau 1,5 năm sẵn lòng bắt tay với các đối thủ thì tất cả các dịch vụ của hãng sẽ tương thích với các sản phẩm của những công ty khác, thậm chí đó là những đối thủ từng không đội trời chung.

Chính chiến lược này đang khiến CEO Nadella ngày càng bận rộn hơn khi liên tục xuất hiện trong các hội nghị của các đối tác khác.

Một câu hỏi đặt ra là phía sau thương vụ bắt tay với Apple thì liệu Microsoft sẽ xử lý như thế nào trước chiến lược kinh doanh máy tính bảng Surface vốn cùng phân khúc tablet màn hình cỡ lớn như iPad Pro. Giới phân tích đang đặt ra một câu hỏi liệu có phải CEO Nadella đang dần từ bỏ tham vọng của riêng mình khi muốn biến Microsoft thành hãng cung cấp dịch vụ và sản phẩm?

Trong khi đó, đối với Apple, dưới thời của CEO Tim Cook, Apple đang dần chuyển mình trở thành nhà cung cấp công nghệ cho các doanh nghiệp. Trái ngược với triết lý của Jobs luôn tập trung vào người tiêu dùng cá nhân.

Một ví dụ điển hình trong triết lý mới của Tim Cook đó là đã bắt tay với các hãng khác, như Cisco để bán iPhone và iPad tới các doanh nghiệp. Năm ngoái, Apple cũng đã hợp tác cùng với IBM để phát triển ứng dụng cho các thiết bị iOS.

Dù sự xuất hiện của Microsoft trên sân khấu của Apple là một điều lạ lẫm với giới công nghệ nhưng đây không phải là lần đầu tiên một vị lãnh đạo của Microsoft được chào đón trong sự kiện của Apple. Năm 1997, CEO Steve Ballmer thời bấy giờ đã xuất hiện qua truyền hình vệ tinh tại một hội nghị của Apple để nói về các sản phẩm mà Microsoft và Apple hợp tác cùng nhau. Tại thời điểm đó, Apple sắp sửa phải tuyên bố phá sản, và Microsoft đã đầu tư số tiền 150 triệu USD để giúp Apple khôi phục. Tại thời điểm đó, khi Steve Jobs bắt đầu nói về việc Apple và Microsoft hợp tác cùng nhau, đám đông bắt đầu la ó, và phản ứng. Khác với những gì chúng ta được chứng kiến trong sự kiện ngày 9/9 vừa qua.

Và mặc dù cả Microsoft và Apple đều có những khác biệt trong quá khứ cũng như trong chiến lược kinh doanh nhưng có một điều cả 2 ông lớn đều phải thừa nhận: đó là thị trường máy tính bảng đã và đang đi xuống. Do vậy, cả hai sẽ cùng phải tạo ra những điều hấp dẫn nhằm thu hút người tiêu dùng.

Trong trường hợp này, Apple và Microsoft đang chứng minh rằng người có thể “biến kẻ thù thành bạn” là con người khôn ngoan.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm