Nhìn lại những vụ bê bối công nghệ đình đám nhất năm 2016
(Dân trí) - 2016 lại là một năm nữa chứng kiến sự bùng nổ của CNTT, với hàng loạt sản phẩm, công nghệ mới được trình làng. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn những vụ bê bối khiến báo giới tốn không ít giấy mực và thu hút sự chú ý dư luận trên toàn thế giới
Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2016 sẽ qua đi, mang theo nhiều cột mốc đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều scandal đình đám như các startup sụp đổ rồi lại được tái sinh, hàng triệu USD bị mất rồi lại giành được, cho đến những vụ cháy nổ, các vụ kiện, và thậm chí gây ảnh hưởng tới cả chính trị.
Cùng điểm lại những scandal đáng chú ý nhất trong năm vừa qua trong bài viết dưới đây.
Tháng Hai:
Tháng 2/2015, người ta chứng kiến sự thành công đáng kinh ngạc của Zenefits - nhà cung cấp phần mềm quản lý chế độ đãi ngộ lao động miễn phí. Tuy nhiên chỉ vỏn vẹn 1 năm sau đó, Zenefits mất kiểm soát do không chịu được sức nặng từ việc tăng trưởng quá nhanh. Công ty bị điều tra vì nghi ngờ bán bảo hiểm không có giấy phép ở một số bang, phá vỡ các quy chuẩn đạo đức. CEO Parker Conrad phải từ chức và giá trị của Zenefit đã giảm đi tới một nửa.
Tháng Ba:
Vụ bê bối (scandal) có lẽ khiến Microsoft phải "xấu hổ" nhất trong năm 2016 diễn ra vào hồi tháng 3, khi công ty thuê hàng loạt vũ nữ thoát y với các động tác uốn éo tới một sự kiện dành cho các nhà phát triển game. Sau đó, một làn sóng phản đối đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến cho Alan Greenberg - sếp marketing của Xbox đã phải công khai xin lỗi: "Tôi rất thất vọng vì điều này, và sẽ làm việc nghiêm túc với nhóm tổ chức".
Tháng Tư:
Elizabeth Holmes từng được coi là Steve Jobs thứ 2 vì có khả năng thay đổi ngành y tế như cách mà Apple thay đổi ngành điện thoại di động. Tuy nhiên nữ tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ đã từ đỉnh cao rớt xuống chỉ còn "tay trắng" do Theranos bị xác định đã vi phạm ít nhất 5 quy định về xét nghiệm hồi đầu năm nay, và bị cấm tham gia xét nghiệm trong vòng 2 năm. Tạp chí Forbes thậm chí đã đã điều chỉnh số tài sản của Holmes từ 4,5 tỷ USD xuống còn 0.
Tháng Năm:
Vụ tai nạn xảy ra hôm 5/5/2016 ở thành phố Williston, thuộc tiểu bang Florida của nước Mỹ, và nạn nhân là ông Joshua Brown, 45 tuổi, đến từ bang Ohio, lái chiếc Tesla Model S phiên bản 2015, với chế độ Autopilot đang hoạt động. Tesla sau đó đã thừa nhận đây là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến hệ thống lái tự động Autopilot của hãng, trong tổng số khoảng 210 triệu km đường các xe Tesla đã chạy.
Tháng Bảy:
Hyperloop One, niềm hy vọng trong ngành giao thông công cộng siêu tốc đã tàn lụi trong năm 2016. Sau khi có khởi đầu thành công và ấn tượng, Hyperloop One nhanh chóng bị lôi kéo vào các vụ kiện đầy tranh cãi. Vụ việc khiến nhiều thành viên chủ chốt rời đi và giấc mơ về tàu cao tốc trong tương lai gần cũng đã rời xa khỏi thực tế.
Tháng Tám:
Ủy ban châu Âu (EC), cho biết chính phủ Ireland đã vi phạm luật pháp EU khi cấp viện trợ bất hợp pháp để giúp Apple giảm mức thuế phải nộp trong hơn 20 năm, từ năm 1991 đến 2015. Đây là kết luận được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 3 năm nhằm vào những thỏa thuận giữa Ireland và Apple. Cuối cùng, Apple bị yêu cầu truy thu số tiền thuế lên đến 14,6 tỷ USD.
Một tháng tồi tệ cho cả Apple và Samsung, khi cả 2 nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực smartphone đều vướng phải những vấn đề ngoài mong đợi. Tuy nhiên, Samsung thiệt hại nặng nề hơn nhiều, khi sự cố trên Note7 khiến họ phải triển khai đến 2 đợt thu hồi và sau đó là ngừng kinh doanh, thậm chí khai tử dòng sản phẩm Note7 vì không khắc phục được sự cố.
Tháng Chín:
Bất chấp kỹ sư trưởng Phil Schiller khẳng định việc loại bỏ jack cắm tai nghe là một hành động "can đảm" của Apple, nhưng với nhiều người đó chỉ là một mánh lới quảng cáo "không hơn không kém". Apple bị cho là đã đặt nhiều trọng tâm vào kinh doanh mà thiếu sự quan tâm đến khách hàng - khi mà giờ đây để nghe nhạc trên iPhone 7 người dùng sẽ cần một sợi dây cáp chuyển đổi hoặc phải bỏ hơn 3,5 triệu đồng để mua cặp tai nghe không dây AirPods.
Một đòn giáng mạnh vào Yahoo và cũng ảnh hưởng đến quyết định mua lại công ty này của nhà mạng Verizon, khi họ cho biết tin tặc có thể đã lấy đi tên, địa chỉ email, số điện thoại, ngày sinh, mật khẩu, và có thể là câu hỏi/câu trả lời bí mật của khoảng 500 triệu người dùng dưới dạng thông tin đã được mã hóa từ 2 năm trước đây. Quy mô của vụ tấn công được cho là lớn gấp 3 lần so với những vụ hack đình đám khác, như lần trang web eBay bị tấn công hồi năm 2014 với khoảng 145 triệu tài khoản bị lộ thông tin.
Tháng 10:
Apple có lẽ vẫn may mắn hơn Samsung khi không gặp phải vấn đề cháy nổ pin hàng loạt trên Note7, nhưng họ "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Vào tháng 10, Apple rơi vào một vụ lùm xùm khiến không ít người dùng phải đau đầu, đó là liên tục gặp lỗi màn hình cảm ứng không nhạy, hoặc chết cảm ứng, đặc biệt là ở phiên bản iPhone 6, 6 Plus.
Các cuộc tấn công mạng liên tiếp diễn ra từ ngày 21/10 đã gây mất mạng Internet trên diện rộng, khiến các dịch vụ hàng đầu tại Mỹ như Twitter và Netflix không thể kết nối với hàng triệu người dùng trên thế giới, đồng thời phơi bày những lỗ hổng trên mạng lưới Internet toàn cầu. Cho tới nay vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Tháng 11:
Việc thông tin giả xuất hiện và được lan truyền trên Facebook đã không còn là một điều lạ, tuy nhiên người ta mới chỉ thực sự thấy được mức độ nghiêm trọng của nó trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11 vừa qua. BuzzFeed kết luận các trang tin giả tạo ra nhiều tương tác trên Facebook hơn cả từ 19 hãng tin lớn gộp lại.
Trong số 20 bản tin giả chia sẻ nhiều trên Facebook, phần lớn là các nội dung giả mạo nhằm ủng hộ Trump. Đích thân tổng thống Obama đã đứng ra chỉ trích tin giả mạo trên Facebook, cảnh báo chúng có thể làm hại chính trị đến mức khiến "chúng ta không biết đang đấu tranh cho cái gì".
Nguyễn Nguyễn
Theo Business Insider