Ông Bùi Hoàng Hải- Giám đốc Cty Hoàng Hải Audio:

"Nhiều audiophile Việt Nam đang chơi thiết bị, chưa biết nghe nhạc”

(Dân trí) - Nổi tiếng là người cung cấp các thiết bị âm thanh khủng cho dân chơi âm thanh (audiophile), ông Bùi Hoàng Hải- Giám đốc Cty Hoàng Hải Audio cho rằng khá nhiều audiophile Việt Nam đang chơi thiết bị chứ chưa biết nghe nhạc.

Ông Bùi Hoàng Hải
Ông Bùi Hoàng Hải
 
Theo ông Bùi Hoàng Hải, mảng hi-end (thiết bị âm thanh, hình ảnh đắt tiền) chiếm lĩnh một thị trường rất nhỏ và người chơi thường kín kẽ không muốn phô trương. Tuy vậy xưa nay đây vẫn luôn là một dòng chảy ngầm rất mãnh liệt, thể hiện qua những bộ dàn lên tới bạc tỷ được trao đổi, mua bán.
 
- Ông đánh giá thế nào về thị trường thiết bị hi-end, cũng như “độ chơi” của giới audiophile Việt Nam?
 
Thị trường thiết bị hi-end ở Việt Nam đã có từ những năm 1995 và phát triển lớn dần cho đến hôm nay. Tuy nhiên độ lớn thì không thấm vào đâu, so với các nước trong khu vực vẫn rất bé nhỏ.
 
“Độ chơi” của giới audiophile Việt Nam khá đa dạng. Một số người rất am hiểu về phối ghép nhưng đa số là ghép không chuẩn. Các yếu tố như dây dẫn phụ kiện Power, Pre CDP thường kém so với loa, đặc biệt phòng nghe không đạt tiêu chuẩn và người chơi cũng không chịu đầu tư tử tế nên nghe không đạt.
 
- Nhiều người Việt Nam bỏ ra tiền tỉ để sắm về những thiết bị hi-end đắt tiền, tuy nhiên ông nói “người chơi đồ âm thanh Việt Nam đang chơi thiết bị chứ chưa biết nghe nhạc”, ông có thể nói rõ hơn về quan điểm này của mình?
 
Đúng là nhiều người bỏ tiền tỷ để mua bộ dàn âm thanh nhưng đa số là mua thiết bị máy móc và thương hiệu có phần bắt mắt, nặng nhiều về hình thức với tiêu chí thể hiện đẳng cấp và khoe sự giàu sang là chính. Tôi nói vậy vì họ mua về với mục đích chỉ nghe nhạc trẻ rầm rầm chứ những dạng nhạc cổ điển, nhạc sâu sắc thì lại không thích. Thật ra người chơi nhạc cần có thời gian và tiếp cận âm nhạc cổ điển ,rock, pop ...thì mới hiểu rõ những thiết bị nào phù hợp với gu nhạc của mình.
 
Sự kết hợp kinh điển giữa Tannoy và hệ thống Accuphase
Một bộ dàn máy nghe nhạc tiền tỉ xuất hiện tại triển lãm AV Show 2013 Hà Nội.
 
- Với việc xuất hiện những dàn âm thanh lên tới vài trăm nghìn USD, theo ông Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên “bản đồ” thiết bị âm thanh thế giới?
 
Thực sự Việt Nam quá bé nhỏ so với các nước trong khu vực về âm thanh chứ đừng nói đến thế giới. Tuy vậy ở Việt Nam, những bộ âm thanh tiền tỷ không còn hiếm, những thương hiệu âm thanh hi-end xuất hiện ở Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng từ những thương hiệu đến từ  Châu Âu như  Đan Mạch, Đức, Bỉ... rồi đến Mỹ... chứ không đơn thuần là các thương hiệu Nhật Bản như  trước kia.
 
- Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực âm thanh, ông có thể nói ngắn gọn thế nào là một bộ dàn hay?
 
 Đó là sản phẩm mà khi thưởng thức thiết bị âm thanh gần như bị quên lãng; ban nhạc, tác giả, người biểu diễn như vượt qua không gian, thời gian để hiện hữu trước mặt bạn. Nó mang niềm cảm xúc cuộn trào khó tả. Đó là khi thế giới vật chất biến mất chỉ còn lại duy nhất âm nhạc và tiềm thức của bạn.
 
Có thể tóm tắt dễ hiểu là bộ dàn đó phải tái tạo được âm thanh như một dàn nhạc sống, khiến người nghe cảm giác nhạc công, nhạc khí từng khu vực trên sân khấu, từng vị trí trái phải thật sống động. Lúc đó đôi loa tưởng chừng như biến mất làm người nghe có cảm giác mê mẩn quên hết mọi chuyện, thậm chí còn nín thở để hoà mình với âm nhạc.
 
- Suy cho cùng đồ Audio là đồ chơi, mặc dù nhiều thiết bị cực kỳ đắt tiền. Người ta bỏ tiền ra mua về thứ để giúp họ thư giãn. Nhưng trên nhiều diễn đàn âm thanh đã xảy ra những tranh cãi lớn xung quanh các quan điểm trái ngược nhau và cuối cùng không đi đến đâu. Người chơi âm thanh sẽ giữ lại được gì cho mình, sau khi mất rất nhiều thời gian, tiền bạc?
 
Một cục Poweramp trị giá hơn 1 tỉ đồng
Cục Poweramp có giá lên tới hơn 1 tỉ đồng. Tại Việt Nam, số lượng người sở hữu nó có thể đếm trên đầu ngón tay.
 
Khi setup sai, phối ghép không hợp lí, bộ dàn chỉ khai thác được 30% giá trị thực. Theo tôi setup chuẩn phải đạt 70% giá trị mới đạt yêu cầu. Quan điểm thì nhiều bởi vì nhạc cũng nhiều thể loại. Do đó ta cần phải có bản lĩnh tránh a dua thành “đẽo cày giữa đường” ,vừa mất thời gian vừa mất tiền bạc. Tốt nhất tham khảo trên mạng các cửa hàng có uy tín và nghe thử.
 
Người chơi mất nhiều tiền bạc, nhưng thứ họ được cũng rất nhiều. Sản phẩm hi-end sinh ra từ sự cống hiến, hết hợp bởi kỹ năng sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và cảm hứng của những người say mê âm nhạc, bản thân nó là một tài sản có giá trị rất lâu dài ít nhất 40-50 năm thậm chí cả trăm năm. Nó đưa chúng ta từng bước đến gần với âm nhạc hơn.
 
- Với việc sa sút của nền kinh tế trong những năm gần đây, thú chơi hi-end cũng giảm sút đi rất nhiều. Vậy nhưng trong triển lãm Audio Visual tại Hà Nội vừa qua, những bộ dàn nhiều tỷ đồng vẫn được đem ra trình diễn, như thách thức nền kinh tế. Ông lý giải thế nào về điều này?Hay phải chăng các nhà nhập khẩu đang “nghiến răng” đưa về Việt Nam hàng khủng để đánh bóng tên tuổi?
 
Dù kinh tế có sa sút nhưng sản phẩm hi-end vẫn có chỗ đứng riêng vì đa phần những sản phẩm hi-end đều kén khách, đối tượng chính là khách hàng có tiềm lực kinh tế và không bị ảnh hưởng nhiều của suy thoái.
 
Những khách hàng này, dù là số ít nhưng họ đam mê và sẵn sàng đổi chác các bù những thiết bị cao cấp hơn.
 
Ngoài ra, cũng có những người vừa hoàn thiện xong biệt thự hàng trăm tỷ, họ muốn có bộ âm thanh tương xúng với ngôi nhà, kể cả việc mua cho có và không có thời gian nghe nhạc. Thực lòng những thiết bị hi-end phải nói hình thức rất bắt mắt và thực tế là nhiều người biết nghe thì không có điều kiện sở hữu, còn người không biết nghe thì thừa sức mang nó về. Do vây tôi nói là nhiều người nghe bằng mắt là chính.
 Focal Stella Utopia EM và bộ khuếch đại/nguồn âm Boulder 2000 Series.
Thiết bị âm thanh chỉ là đồ chơi, người chơi âm thanh cần cân đối khả năng tài chính, không nên chạy theo thiết bị.
 
- Người ta nói thế giới audio đầy cám dỗ, người chơi dễ dàng bị nghiện và sẽ bị cuốn theo những giá trị vô hình, hư ảo. Ông có lời khuyên gì đối với những người đang ngấp nghé bước chân vào chơi audio? Ví dụ nên chơi có chừng mực. Nhưng thế nào là chừng mực?
 
Để chơi có chừng mức là điều cực khó vì audio không có một quy chuẩn nào cố định. Do vậy tài chính có đến đâu ta đầu tư đến đó. Bạn không nên quá chú ý vào một sản phẩm vượt quá khả năng tài chính, mà nên tập trung setup cái mình đang có. Bạn cũng nên sưu tầm thêm nhiều phần mềm âm nhạc cho phong phú, nó giúp ta đỡ nhàm chán. Chừng mực chỉ là tương đối, tôi chỉ có lời khuyên các bạn nên đầu tư thiết bị vì mình thích và đam mê nó, không nên mua vì rẻ, sẽ có lúc hối hận.
 
Người chơi âm thanh cũng cần định hình mình một phong cách cụ thể: mình thích nghe loại nhạc gì? Thích nghe âm thanh trung thực hay âm thanh có sử dụng các hiệu ứng điều chỉnh ... Có xác định được như vậy mới có hướng để đầu tư cho mình một bộ dàn thích hợp.
 
- Ông đánh giá thế nào về những tay chơi audio đang trở thành nô lệ của thiết bị?
 
Để trở thanh nô lệ thiết bị cũng là lập dị vì cuộc sống còn nhiều thú vui khác nữa, âm thanh chỉ là một phần cuộc sống mà thôi.
 
- Ông nhận định thế nào về thị trường thiết bị hi-end trong năm 2014, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?
 
Thị trường hi-end sẽ đón nhận những luồng sinh khí mới, phát triển hơn nữa khi mà nền kinh tế Việt Nam được dự  báo là sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới vào năm 2014. Ngoài ra thị trường thiết bị hi-end 2014 sẽ kết hợp giữa âm thanh và hình ảnh hoặc ca nhạc có hình ảnh, xu hướng thế giới cũng vậy. Những chiếc TV Ultra HD 4K, TV 3D hiện đang dần phổ biến, chúng sẽ là xu thế của thiết bị phát hình ảnh trong tương lai.
 
- Xin cảm ơn ông!
Bảo Khánh
thực hiện