Nhạc chuông mất dần nhạc tính

Mặc dù phần lớn người sử dụng điện thoại thường đặt chuông là các đoạn nhạc, nhưng ngày càng có nhiều người dùng nhạc chuông là những âm thanh đặc biệt, chả có chút nhạc tính nào.

Đó có thể là tiếng kêu của loài vật, những đoạn nói chuyện được ghi một cách ngẫu nhiên, hiệu ứng âm thanh trong phim hay những âm thanh kỳ dị khác. Hiện, ở Mỹ Latin, tiếng của nữ diễn viên phim "dành cho người lớn" Jenna Jameson là chuông "hot" nhất, và được đánh dấu mức "R" (mức đỏ). Còn tại Việt Nam, tiếng chuông điện thoại, làm nhiều người phì cười mỗi khi nghe là tiếng léo nhéo của một cô gái miền Nam "Anh ơi, có điện thoại nè... Anh ơi...". Đặc biệt hơn, nhiều người còn thu tiếng của con mình lại, để thành chuông báo mỗi khi có người gọi tới.

Lý do tại sao nhạc chuông lại phát triển đến vậy nằm ở sự đa dạng của điện thoại di động trên thị trường. Bất kỳ điện thoại có cổng USB và hỗ trợ thẻ nhớ đều có thể lưu các file nhạc. Người dùng có thể dùng phần mềm chuyên dụng cắt bài nhạc thành các đoạn nhỏ và đặt làm nhạc chuông. 

Một lý do khác là việc download một bản nhạc chuông khác người nào đó làm người dùng dễ phân biệt máy của mình hay của người khác đang reo. Nắm được xu hướng này, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đang đưa ra các bản nhạc chuông quái đản, như những âm thanh kỳ quặc hay thậm chí cả giọng nói. 

Jamster, người chuyên tạo các bản nhạc chuông đặc biệt, đã đưa ra một đoạn thoại có tiêu đề “mang cái chết đến”, lấy từ bộ phim nổi tiếng năm 1975, Monty Python và chiếc chén Thánh (Monty Python and the Holy Grail). Còn hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động Cingular Wireless thì không ngần ngại tung ra những “mẩu” âm thanh chả có chút nhạc tính nào, như tiếng gầm của nhân vật Chewbacca từ phim Star Wars.

Đặc biệt, nhạc từ trò chơi nổi tiếng Super Mario Brothers đã đứng trong bảng "10 nhạc chuông ăn khách nhất" trong 43 tuần liên tiếp và từng nhảy lên vị trí thứ 4. Hiện nó đang đứng thứ 9, đánh bại những đoạn trong bài Grind With Me của Pretty Ricky. Khác biệt ở chỗ Mario Brothers là nhạc của những năm 70 với những tiếng bíp và bốp, không giống âm thanh mượt mà của nhạc chuông hiện tại. Tại Anh, Crazy Frog với toàn âm thanh điện tử tạo tiếng ếch kêu ộp ộp, ạp ạp, lại đứng đầu bảng xếp hạng các ca khúc được ưa chuộng.

Ở Việt Nam, nhạc chuông chưa trở thành một lĩnh vực kinh doanh hốt bạc. Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu thể hiện cái "tôi" của "thượng đế", các hàng điện thoại tư nhân đua nhau đưa ra các kiểu nhạc chuông độc đáo, như nhạc vui nhộn trích từ phim Tây Du Ký, tiếng trầm hùng hoành tráng từ phim Thủy Hử hay tiếng nhị eo éo của Hồng Lâu Mộng...

Công ty nghiên cứu thị trường Jupiter Research dự tính, năm nay lợi nhuận từ nhạc chuông tại Mỹ sẽ đạt khoảng 417 triệu USD, đóng góp lớn nhất là những bản nhạc chẳng ra nhạc, chuông chẳng ra chuông đó.

Theo Số hóa