Nhà mạng đang khiến khách hàng ảo tưởng về 4G?
Tại Hội thảo "Tầm nhìn từ đầu cuối đến đầu cuối cho triển khai LTE - Từ triển khai thành công đến đảm bảo chất lượng trải nghiệm" ngày 9/12, các chuyên gia cảnh báo, tốc độ 4G lúc đầu có thể nhảy vọt so với 3G, nhưng theo thời gian, khi số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng thì trải nghiệm đó hoàn toàn có thể suy giảm, nếu các nhà mạng không tiếp tục đầu tư.
"Khi các nhà mạng đầu tư vào 4G, tốc độ chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều, thậm chí có thể nói là bước nhảy vọt về tốc độ (so với 3G). Trong giai đoạn đầu, người sử dụng VN sẽ thấy tốc độ rất tuyệt vời", ông Lê Hồng Sơn, TGĐ COMIT Corp chia sẻ. Tuy vậy, khi số lượng người dùng 4G tăng lên theo thời gian, thì trải nghiệm đó hoàn toàn có thể suy giảm nếu các nhà mạng không tiếp tục đầu tư. Còn bài toán đầu tư như thế nào thì lại là câu chuyện kinh doanh của nhà mạng.
Quan điểm này có phần tương đồng với khuyến nghị mà chuyên gia Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng đưa ra cách đây không lâu. Khi ấy, ông Thắng khẳng định bản chất vấn đề không nằm ở công nghệ, bởi trên thực tế, tốc độ mạng 3G trên thế giới cũng chưa bao giờ đạt được mức mà các nhà mạng hứa hẹn. Cũng với con đường ấy, một vài xe lưu thông thì chạy được tốc độ cao, nhưng quá nhiều xe cùng dồn vào thì sẽ bị ứ lại, tắc đường, nếu như nhà mạng không tích cực đầu tư mở rộng đường, tăng khả năng lưu thông. Kịch bản của 3G cũng vậy và 4G chắc chắn cũng không khác là bao.
Nói cách khác, nhiều nhà mạng đang quảng cáo về 4G với những lời có cánh, nhưng thực tế có thể sẽ không "ấn tượng" được như vậy.
Bên cạnh đó, khi các nhà mạng triển khai 4G thì mạng 3G chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về mặt kỹ thuật. Giải thích về điều này, ông Sơn cho biết bởi 4G được xây dựng trên nền tảng công nghệ không dính dáng đến thế hệ cũ (2G, 3G). Các điểm khác biệt này gây ra những trục trặc trong khả năng liên thông giữa các mạng, giữa các thiết bị với nhau. Do đó, triển khai 4G ở Việt Nam chắc chắn sẽ không đơn giản và có nhiều thách thức.
Ở nước ngoài, việc đo kiểm chất lượng dịch vụ vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng cơ chế quản lý nghiêng nhiều về hậu kiểm. Khi công bố chất lượng không đáp ứng được như lời quảng cáo hoặc hứa hẹn thì có thể bị các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hay chính người dùng khởi kiện, ông Sơn cho hay.
Tuy không tiết lộ kết quả đo kiểm cụ thể về chất lượng các nhà mạng trong nước trong 6 tháng qua, song vị chuyên gia này thừa nhận bản thân ông cũng cảm thấy không thỏa mãn với chất lượng mạng di động, nhất là 3G mà các nhà mạng đang cung cấp. Ngay trong thành phố, chưa cần phải di chuyển đến khu vực nông thôn thì nhiều lúc người dùng đã không truy cập được 3G, hoặc tốc độ rất chậm.
"Về mặt nguyên tắc luôn có những khu vực mà tín hiệu sóng rất tốt, song song với một số khu vực không tốt". Hơn nữa, đặc điểm khu đô thị VN trải rộng, có nhiều ngõ hẹp, vùng phủ nhiều khi không với tới được và chất lượng kém. "Với tốc độ hiện tại thì 3G không thể đảm bảo triển khai các dịch vụ như thương mại điện tử được", ông Sơn nhận xét.
Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng một phần lý do của việc người dùng không thỏa mãn với chất lượng 3G là do cảm tính của khách hàng, nhất là khi khách hàng ngày càng yêu cầu cao hơn về công nghệ. Còn về các số liệu đo kiểm thực tế, ông Sơn khẳng định chất lượng các mạng trong vòng 6 tháng qua là ổn định, không có nhiều biến động.
Theo Sâm Cầm
Báo Đầu tư