Nhà độc tài Adolf Hitler - "ngôi sao mới nổi" trên YouTube

(Dân trí) - Nhà độc tài Phát xít đang là "ngôi sao mới nổI" trên YouTube, đảm nhận vai chính trong một loạt phim từ rất đời thường như dùng máy chơi game lậu bị "thộp cổ", tới thời sự như ứng viên tổng thống Mĩ Barack Obama "dám" tới tận Berlin đọc diễn văn.

Với tài năng sáng tạo vô hạn của mình, cư dân mạng đang tận dụng một cảnh trong Downfall - bộ phim tiếng Đức từng được đề cử Oscar năm 2004 mô tả 12 ngày cuối cùng của Hitler trong một hầm ngầm dưới lòng Berlin - để chế biến thành vô số video clip về các chủ đề khác nhau. Trong các đoạn  clip “chế” trên YouTube, ngôn ngữ gốc của phim được giữ nguyên, nhưng phụ đề tiếng Anh được “biến tấu” để có nội dung khác.

Những “tác phẩm” mới này có thể rất gần gũi, như kể về việc Hitler nổi giận vì bị “sút” khỏi dịch vụ chơi game trực tuyến Xbox Live của Microsoft do dùng Xbox 360 bản lậu, vì ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo “dám” bỏ MU để sang Real Madrid, hay đầy tính thời sự khi đề cập tới ứng cử viên tổng thống Mĩ Barack Obama chuẩn bị đến Berlin diễn thuyết và cả việc bị “bắt” phải đi xem phim của “ngôi sao lá cải” Adam Sandler.

Một clip Downfall khác mô tả sự giận dữ của nhà độc tài khi bị ăn trộm xe hơi, thua trận và bị khóa nick (ban nick) khỏi game trực tuyến World of Warcraft, khi biết “thần tượng” Hillary Clinton thua trong tranh cử nội bộ đảng, và cả việc… thi trượt đại học.

Những đoạn video “chế” nói trên thường được cho điểm rất cao, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem mỗi phim, trong đó đoạn phim tả cảnh Hitler giận dữ khi biết Rolnado chuẩn bị “nhảy tàu” có tới cả triệu người xem. Phim về Hitler "nổi điên" khi bị ban nick trong game trực tuyến cũng ngót nghét... hơn nửa triệu lượt hưởng ứng. Nội dung phim được chuyển tải qua phụ đề cũng là lợi thế, khi giúp người xem không thông thạo tiếng Anh cùng hiểu một cách dễ dàng.

Nhận xét về hiện tượng thú vị nói trên, Iain McDonal, một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị điện tử cho biết các mạng xã hội và website chia sẻ như YouTube đóng vai trò chính trong quá trình phổ biến thành quả sáng tạo: “Nhiều người cho rằng những hiện tượng như đoạn clip về Hitler này chỉ vô tình được hưởng ứng và trở nên nổi tiếng, nhưng trên thực tế có cả một “nền văn hoá” mạng đầy sáng tạo chỉ tồn tại trên Internet có khả năng hưởng ứng và phát tán rộng rãi các "sản phẩm" tương tự cực kì nhanh, đặc biệt nếu chúng mang tính thời sự hoặc phù hợp với số đông".

Một ví dụ điển hình là Keith Wheatland người Úc, dù đã gần 60 tuổi vẫn tham gia “chế” ít nhất 4 đoạn phim về Hitler dựa trên trích đoạn của Downfall kể về việc Hitler nổi giận do chất lượng đường truyền ADSL tại nơi ông ở quá tồi, hay về việc hai siêu thị lớn nhất địa phương thi nhau nâng giá vô tội vạ. Ông cho biết đoạn phim Downfall rất thích hợp để làm phim hài do nó “có mọi thứ trong đó”: “Một vị tướng khổ sở hé lộ sự thật đau lòng cho Hitler, hắn nổi điên, sau đó chửi bới ầm ĩ, hai phụ nữ bên ngoài khóc thầm thông cảm, và rồi trong phòng Hitler im như thóc gặm nhấm nỗi đau”.

Bộ phim gốc trên thực tế được hưởng lợi khá nhiều sau khi được “chế” trên YouTube, như chính Wheatland cũng đi lùng mua bản gốc của phim về xem.

Nhà độc tài Adolf Hitler - "ngôi sao mới nổi" trên YouTube - 1
 Đoạn video "nhái" Phil Collin thu hút gần 3 triệu lượt xem

Không chỉ cho thấy một trào lưu Internet mới, hiện tượng  "phim chế” còn mở ra cơ hội quảng cáo-tiếp thị khổng lồ. Đoạn phim quảng cáo Chocolate của Cadbury với chàng tinh tinh đánh trống "nhái" danh ca Phil Collin kéo được... gần 3 triệu lượt xem, và phim quảng cáo “chọc ngoáy” Levono Thinkpad X300 chê bai MacBook Air “siêu mỏng” nhưng thiếu đủ loại chức năng đạt tới hơn 1 triệu 200 ngàn lượt xem. Tuy nhiên, những thành công mang tính thương mại như thế không nhiều, như chính McDonal nhận xét: “Chính những gì người dùng tạo nên mới có tiềm năng trở nên nổi tiếng, và cũng chính người dùng quyết định những gì sẽ trở thành hiện tượng, chứ không phải các hãng quảng cáo”.

Hoàng Hải
Theo TheAge

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm