Nguy cơ lây nhiễm virus từ các “chợ” ứng dụng dỏm

(Dân trí) - Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm các phần mềm nổi tiếng dành cho smartphone, đặc biệt là ứng dụng cho Android, hacker đã tạo ra những phần mềm giả mạo có chứa mã độc rồi đẩy lên các “chợ” phần mềm không chính thống trên Internet, lừa người dùng tải về.

Nguy cơ lây nhiễm virus từ các “chợ” ứng dụng dỏm


Chỉ trong tháng 4, đã xuất hiện liên tiếp các virus núp bóng phần mềm Instagram và phiên bản mới của Angry Birds. Khi tải các ứng dụng giả mạo này, người sử dụng đã vô tình tải virus về chính máy điện thoại của mình.

 

Cả Instagram và Angry Birds đều là những ứng dụng dành cho smartphone có số lượng hàng triệu lượt tải về chỉ vài ngày sau khi ra mắt. Hacker đã tạo ra phiên bản Instagram giả mạo để đánh cắp tiền của người dùng. Sau khi được cài đặt lên điện thoại, Instagram giả mạo sẽ tự động gửi đi các tin nhắn tới nhiều đầu số dịch vụ có thu phí. Người sử dụng điện thoại, vì thế sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà họ không hay biết. Trước đó, phiên bản mới nhất của game Angry Birds (Angry Birds Space) cho hệ điều hành Android cũng bị lợi dụng để cài mã độc.

 

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bkav - Bkav R&D, phân tích: “Chỉ tính riêng trên Google Play, mỗi ngày có tới gần 1.000 ứng dụng mới được đưa lên, chưa kể đến các chợ ứng dụng cả chính thống và không chính thống khác. Không ít các phần mềm hấp dẫn trong số đó sẽ bị lợi dụng, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Người sử dụng không nên tải ứng dụng từ các kho không rõ nguồn gốc”.

 

Theo giới bảo mật, cũng giống như máy tính, điện thoại di động hiện nay cũng sẽ phải cài đặt phần mềm diệt virus để được bảo vệ thường xuyên.
 
Khôi Linh