Ngô biến đổi gen chính thức được chứng nhận an toàn sinh học

Bộ TN-MT vừa chính thức có quyết định cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho sự kiện ngô biến đổi gen MON 89034 (kháng sâu). Đây là sự kiện ngô biến đổi gen đầu tiên được bộ này cấp giấy chứng nhận.

Bộ TN-MT đã chính thức có Quyết định cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học (ATSH) cho sự kiện ngô biến đổi gen MON 89034 (kháng sâu) của công ty TNHH Dekalb Việt Nam, thuộc tập đoàn Monsanto. Đây là sự kiện ngô biến đổi gen đầu tiên và duy nhất nhận được giấy chứng nhận của Bộ TNMT tại thời điểm này. 

Trước đó, sự kiện MON 89034 đã được Bộ NN&PTNT thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. 

Để được cấp Giấy chứng nhận ATSH, mỗi sự kiện biến đổi gen cần được xem xét và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng bởi Tổ chuyên gia, và phải được chấp thuận bởi Hội đồng ATSH Quốc gia là An toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học theo đúng trình tự quy định. 

Trước khi được cấp Giấy chứng nhận ATSH tại Việt Nam, sự kiện MON 89034 đã được cấp chứng nhận ATSH tại 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Canada (2008), Hoa Kỳ (2008), Nhật Bản (2008), Brazil (2009), Argentina (2010), Nam Phi (2010), Phillipines (2010) và Honduras (2010).

Các quyết định của Bộ TNMT và Bộ NN&PTNT trong thời gian qua, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ có sự kiện ngô biến đổi gen đầu tiên được trồng đại trà
Việt Nam sẽ có sự kiện ngô biến đổi gen đầu tiên được trồng đại trà

Việt Nam hiện đang phải chi mỗi năm hơn 1 tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu ngô phục vụ nhu cầu tăng mạnh của ngành chăn nuôi trong nước, chủ yếu từ các quốc gia canh tác ngô biến đổi gen. Các quyết định xem xét và cấp phép cho các sự kiện biến đổi gen của Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Việt Nam trong việc nhanh chóng giải quyết triệt để thực trạng này, đồng thời trao cơ hội cho nông dân Việt tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới. 

Ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã được chứng minh đem lại hiệu quả kinh tế xã hội môi trường tích cực đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Từ năm 1996 đến 2012, cây trồng biến đổi gen đã đem lại hơn 100 tỷ đô la Mỹ lợi ích kinh tế lũy kế cho toàn cầu và góp phần giảm 503 triệu kg thuốc trừ sâu nhờ công nghệ kháng sâu – công nghệ vừa chính thức được cấp phép ATSH tại Việt Nam.

Tại Tây Ban Nha, sau 15 năm ứng dụng ngô mang sự kiện biến đổi gen kháng sâu đục thân thế hệ đầu MON 810 đã giúp quốc gia này giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu ngô, nhờ tăng sản lượng ngô hạt thêm hơn 850 nghìn tấn và giảm 662.937 tấn khí CO2 phát thải vào môi trường.

Theo An ninh Thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm