Nghi án nút “Like” của Facebook làm “gián điệp”

(Dân trí) - Người sử dụng Internet thường sử dụng nút “Like” của Facebook và “Tweet” của Twitter để chia sẻ nội dung với bạn bè. Nhưng những công cụ này cũng cho phép các mạng xã hội thu thập dữ liệu về những trang web mà người dùng đang truy cập.

Nút “Like” và “Tweet”, được gọi là “social widget”, thường xuất hiện trên đầu các câu chuyện mới hoặc bên cạnh những sản phẩm trên các trang web bán lẻ, thông báo cho Facebook và Twitter rằng một người đã truy cập vào những trang web đó ngay cả khi người dùng không bấm vào các nút này, theo kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Wall Street Journal.

 

Những công cụ này hoạt động rất năng suất. Chúng đã được có mặt trên hàng triệu trang web trong vòng một năm qua. Các nút bấm của Facebook xuất hiện trên 1/3 trong số 1000 trang web có lượng truy cập nhiều nhất của thế giới. Các nút bấm của Twitter và Google cũng lần lượt xuất hiện trên 20% và 25% những website này.

 

Các widget được tạo ra để giúp người sử dụng mạng xã hội dễ dàng chia sẻ nội dung với bạn bè và giúp các website thu hút thêm khách truy cập. Tuy nhiên, chúng cũng là phương thức mạnh mẽ dùng để theo dõi người sử dụng Internet. Chúng có thể liên kết thói quen lướt web của người dùng với hồ sơ mạng xã hội, vốn chứa đựng danh tính của họ.

 

Thí dụ, Facebook hoặc Twitter sẽ biết khi một trong những thành viên của họ đọc một bài báo về việc nộp đơn xin phá sản vào trang MSNBC.com hoặc truy cập vào một blog về chống trầm cảm được gọi là Fighting the Darkness, ngay cả khi thành viên đó không bấm vào nút “Like” hoặc “Tweet” trên các trang web đó.
 
Nghi án nút “Like” của Facebook làm “gián điệp” - 1

 

Thành viên các trang mạng xã hội này chỉ cần đăng nhập vào Facebook hoặc Twitter một lần trong một tháng thì ngay lập tức, công cụ “theo dõi” này sẽ hoạt động. Các trang web sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu lướt web, thậm chí khi người đó đã đóng trình duyệt hoặc tắt máy tính của họ, cho đến khi họ dứt khoát thoát khỏi các tài khoản Facebook hoặc Twitter.

 

Facebook, Twitter, Google và các mạng xã hội khác cho biết họ không sử dụng các dữ liệu lướt web được thu thập bởi những widget để theo dõi người dùng. Facebook khẳng định họ chỉ sử dụng dữ liệu này cho mục đích quảng cáo khi người dùng nhấp vào một widget để chia sẻ nội dung với các bạn bè của họ.

 

Facebook và Google nói rằng họ “mã hóa” dữ liệu lướt web để những thông tin này không chỉ ra một người dùng cụ thể. Facebook cho hay các dữ liệu này sẽ bị xóa trong vòng 90 ngày trong khi Google khẳng định dữ liệu sẽ bị xóa bỏ trong vòng 2 tuần. Facebook và Google đều tuyên bố họ sử dụng những thông tin này để đo sự hiệu quả của những widget và giúp đỡ các trang web khác thu hút thêm lượng khách truy cập.

 

Riêng Twitter lại cho hay họ không sử dụng các dữ liệu lướt web của người dùng và xóa bỏ chúng ngay lập tức. Một phát ngôn viên của Twitter tuyên bố, trên lý thuyết, công ty có thể sử dụng dữ liệu này để “xây dựng nội dung tốt hơn” cho người sử dụng trong tương lai.

 

Những tiết lộ mới về các nút bấm của mạng xã hội xuất hiện trong bối cảnh ngày càng dấy lên nhiều mối lo ngại về quyền riêng tư của người sử dụng Internet và smartphone đang bị xâm phạm trắng trợn. Các thành viên của Quốc hội Mỹ đã giới thiệu ít nhất năm dự thảo luật liên quan đến quyền riêng tư trong năm nay, trong đó có ba điều luật nhằm mục đích tạo ra một cơ chế cho phép người sử dụng vô hiệu hóa việc “theo dõi”.

 

Một số người ủng hộ quyền riêng tư đã bày tỏ những mối lo ngại này, lên án Facebook và Google đã mắc sai lầm về các vấn đề riêng tư.

 

Các nhà mạng xã hội cho hay bộ sưu tập các hoạt động lướt web của người dùng là một tác dụng phụ ngoài ý muốn của các công cụ.

 

Để xác định tỷ lệ widget và cách chúng thu thập thông tin, tờ Wall Street Journal đã yêu cầu Brian Kennish, một kỹ sư từng làm việc cho Google, kiểm tra 100 trang web phổ biến nhất được xếp hạng bởi mạng lưới quảng cáo của Google. Năm ngoái, Brian Kennish đã mở công ty Disconnect chuyên cung cấp phần mềm chặn việc thu thập dữ liệu bằng các widget.

 

Kennish đã kiểm tra hơn 200.000 trang web trên 1.000 website hàng đầu. Kennish phát hiện ra rằng Facebook thu thập dữ liệu lướt web từ 331 website, Google thu thập dữ liệu từ 250 website, một phần nhờ widget Buzz. Twitter lấy thông tin duyệt web từ khoảng 200 website.

 

Các social widget xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 5 năm trước đây khi các dịch vụ trực tuyến như Digg cho phép người dùng chia sẻ tin tức. Tại thời điểm đó, các widget không phải là nguyên nhân khiên dữ liệu duyệt web được thu thập bởi các mạng xã hội. Widget được cài đặt bởi người sở hữu website và chúng giúp tăng lưu lượng truy cập cho các trang web.

 

Năm ngoái, Facebook đã ra mắt nút “Like” và các widget “thông minh “ khác. Các widget hoạt động với các tập tin mà Facebook đặt trong một trình duyệt web khi người dùng tạo ra một tài khoản hoặc đăng nhập vào trang web của hãng. Cùng với nhau, chúng cho phép Facebook nhận ra người dùng của họ trên bất kỳ trang web nào có các widget của Facebook.

 

Bret Taylor, trưởng phòng công nghệ của Facebook nói rằng công nghệ này giúp các website hiển thị cho khách truy cập thấy những bài viết mà bạn bè của họ thích. “Chúng tôi không sử dụng chúng để theo dõi và không có ý định làm điều đó”.

 

Tuy nhiên, Facebook cho biết họ vẫn đặt một tập tin trên máy tính của bất cứ ai truy cập vào trang chủ Facebook.com, ngay cả khi người sử dụng đó không phải là một thành viên. Bret Taylor tiết lộ Facebook sử dụng những tập tin này để bảo vệ trang web của họ khỏi những cuộc tấn công tin tặc cố gắng thâm nhập vào tài khoản của người dùng.

 

Cho đến gần đây, một số widget của Facebook cũng đã thu thập được dữ liệu duyệt web về những người sử dụng Internet chưa bao giờ truy cập vào Facebook.com mặc dù Facebook không biết danh tính của họ. Facebook khẳng định đó là một “lỗi” và họ đã khắc phục được đầu năm nay sau khi nó bị phát hiện bởi một nhà nghiên cứu Hà Lan.

 

Võ Hiền

Theo Wall StreetJournal