Ngày càng nhiều người "nói không" với việc đổi điện thoại mới
Lô hàng smartphone toàn cầu giảm gần 9% trong quý II giữa nỗi lo lạm phát đè nặng lên vai người tiêu dùng.
Thị trường smartphone thế giới đang trong "giờ giải lao". Khi lạm phát đẩy nhiều mặt hàng lên cao, nhiều người dùng gắn bó với chiếc điện thoại của mình lâu hơn. Các công ty cũng sản xuất ít thiết bị và linh kiện hơn, chuẩn bị cho chặng đường gập ghềnh phía trước.
Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, mới đây thông báo bán được ít hơn 26% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, doanh thu liên quan đến smartphone giảm 28% xuống còn 6,2 tỷ USD. Nguyên nhân mà Xiaomi đưa ra là nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sụt giảm cũng như giá thực phẩm, xăng dầu tăng mạnh trên toàn cầu.
Theo hãng nghiên cứu IDC, từ tháng 4 tới tháng 6, các lô hàng smartphone trên toàn thế giới giảm gần 9% so với một năm trước, xuống 286 triệu đơn vị. Trung Quốc giảm mạnh nhất nhưng Mỹ và hầu hết các khu vực khác đều yếu kém.
Sean Lullee, nhà kinh tế học 23 tuổi vừa chuyển từ Ohio đến thủ đô Washington D.C. (Mỹ), nhận thức được chi phí sinh hoạt thay đổi, đặc biệt khi lạm phát ở mức hơn 8%. Mullee, người đã dùng iPhone X được vài năm, nói rằng không có kế hoạch nâng cấp.
Feng Xiao, nhà tổ chức sự kiện thể thao 37 tuổi tại Thượng Hải (Trung Quốc), cũng như vậy. Khi được hỏi có định nâng cấp điện thoại không, cô chia sẻ: "iPhone 12 mà tôi dùng 2 năm nay vẫn chạy tốt".
Tình hình đã khác hoàn toàn 2 năm đầu đại dịch, khi mọi người ở nhà nên phải dùng điện thoại thường xuyên hơn. Khi đó, nhu cầu mạnh mẽ và vấn đề lớn nhất nằm ở chuỗi cung ứng, bị gián đoạn do giao hàng chậm trễ, phong tỏa Covid-19 và thiếu hụt bán dẫn. Các vấn đề này chưa biến mất nhưng dần được xoa dịu. Còn hiện tại, thị trường gặp khủng hoảng về nhu cầu.
Dù vậy, sự giảm tốc lại không đồng nhất. Theo Counterpoint Research, doanh số smartphone trên 900 USD tăng trưởng 20% trong nửa đầu năm so với một năm trước. Phân khúc bao gồm smartphone gập của Samsung và iPhone đời mới của Apple.
Chỉ có 1 trong 10 smartphone bán ra rơi vào phân khúc cao cấp nhưng nó chiếm tới 70% lợi nhuận cả ngành, theo Counterpoint. Nhà phân tích Runar Bjørhovde của hãng nghiên cứu Canalys nhận định những khách hàng giàu có không màng đến chi phí sinh hoạt cao hơn và vẫn muốn sở hữu chiếc điện thoại mới nhất trong túi của mình.
Samsung giới thiệu cả các mẫu smartphone 5G giá rẻ lẫn smartphone gập mới để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Apple cũng được hưởng lợi khi là thương hiệu cao cấp nhưng có dấu hiệu không dễ dàng.
Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của hãng, nhìn thấy nhu cầu smartphone đang sụt giảm. Qualcomm, nhà cung ứng chip cho Apple và các hãng khác, cũng nhận định như vậy vào tháng 7. TSMC, công ty hàng đầu về gia công chip, gần đây cho biết smartphone không phải bộ phận mang về doanh thu lớn nhất nữa, thay vào đó là chip điện toán hiệu suất cao, dùng trong xử lý đồ họa hay xe tự lái.
Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 1/4 các lô hàng smartphone toàn cầu, đang gây lo ngại. Từ ngày 29/7 đến 1/8, Apple thực hiện động thái bất thường là giảm giá iPhone và chạy quảng cáo về chương trình trên mạng. iPhone 13 Pro và Pro Max giảm gần 100 USD. Wang Xiang, Chủ tịch Xiaomi, thừa nhận nhu cầu thị trường suy yếu và đang tìm mọi cách để giải phóng hàng tồn kho. Lợi nhuận ròng của hãng giảm 67%.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc năm sau. Giả định đó chưa bao gồm các biến động lớn như xung đột Mỹ - Trung hay lạm phát tăng đột biến lần nữa.