Nga muốn IT trở thành nguồn "tài nguyên tự nhiên"
“Công nghệ thông tin chính là nguồn tài nguyên tự nhiên tiếp theo của Nga” Leonid Reiman – Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ của Nga khẳng định tại Diễn đàn kinh tế Nga tại Luân Đôn thứ Ba vừa qua.
Với nỗ lực tạo nên bước đột phá trong kinh tế cũng như hạn chế sự quá phụ thuộc vào các tài nguyên thiên nhiên như dầu, Nga đã đưa sự phát triển tin học lên ưu tiên hàng đầu, với những kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, “công viên kỹ thuật” và luật công nghiệp thân thiện.
Các trục kinh tế công nghệ thông tin phát triển mạnh tại thời điểm hiện tại là cơ sở vững chắc cho một cộng đồng phát triển phần mềm thịnh vượng của Nga. Nhưng nước này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như cơ sở hạ tầng rời rạc, tài chính hạn hẹp và nhất là tội phạm hoành hành.
Nga mong đợi sẽ vượt qua nhanh những rào cản này và đầu tư 650 triệu đôla cho các phát minh công nghệ cao, ví dụ chương trình e-Russia – bao quát cả chính phủ điện tử cũng như các dịch vụ như y tế trực tuyến. Đóng vai trò quan trọng trong e-Russia, chính phủ dự định mở rộng cơ sở hạ tầng viễn thông toàn quốc và cung cấp Internet tới các vùng xa xôi hẻo lánh.
Viễn thông là nhân tố phát triển nhanh nhất của Nga, vầ vào cuối tháng này, chính phủ hy vọng phủ sóng 100% mạng GSM trên toàn quốc. Tuy nhiên vẫn còn 46.000 khu vực không có đường truyền cố định và “cần khắc phục sự thiếu cân bằng này sớm” – Reiman phát biểu.
Để thực hiện được điều này, chính phủ đang đưa việc bảo hành dịch vụ vào luật pháp vf thành lập quỹ dịch vụ, cũng như lôi kéo các nhà điều hành, phân phối tại địa phương chia sẻ gánh nặng trong việc mở rộng mạng điện thoại, hứa hẹn một phần thưởng xứng đáng sau khi thị trường đã phát triển.
Nhưng cơ sở hạ tầng viễn thông chỉ là một phần trong kế hoạch. Nga đang biến cộng nghệ thành “ngành công nghiệp đầu tàu trong nền kinh tế hiện đại hóa”. Để khích lệ, thúc đẩy mục tiêu này, Nga đang tiến hành các nghiên cứu tin học do nhà nước đỡ đầu, đồng thời mở các trung tâm phát triển, công viên công nghệ tương tự như tại Bangalore, Ấn Độ.
Công viên công nghệ hướng vào các khu vực đang phát triển và phần mềm là lĩnh vực chính trong kế hoạch này. Tới năm 2010, chính phủ hy vọng Nga sẽ đạt 7% xuất khẩu phần mềm toàn cầu, tạo nên một thị trường với trị giá 40 tỷ đôla.
Cùng với nguồn nhân lực được đánh giá cao, chính phủ cũng cần huy động các nguồn lực kinh tế khác hỗ trợ dự án.
Dù vậy, Reiman cũng thừa nhận những khó khăn chồng chất của đất nước. Suy thoái, tham nhũng là gánh nặng khó kiểm soát của chính phủ.
Vấn đề tội phạm cũng là một thách thức không nhỏ. Nga có thể có trong tay một số chuyên gia viết phần mềm hàng đầu thế giới những cũng lại “sở hữu” những hacker lắm chiêu nhất, gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp này.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Tội phạm kỹ thuật số tại Luân Đôn tuần trước, trung tướng Boris Miroshnikov, cục trưởng Cục K cho biết: ”Tất cả mọi người đều biết rằng người Nga có khả năng vượt trội về toán học. Các lập trình viên người Nga đều là những chuyên gia lập trình giỏi nhất thế giới và đó cũng là nguyên do tại sao hacker Nga đều thuộc dạng cao tay ấn nhất thế giới”.
Ông nhấn mạnh thêm: “”Số liệu thống kê đưa ra thật đáng lo ngại, theo dõi số liệu từ năm 2001 đến năm 2003, số vụ phạm tội tăng gấp đôi theo từng năm, duy chỉ năm nay số vụ phạm tội không tăng do cảnh sát chúng ta đã làm việc hiệu quả hơn. Khi và các chính phủ, các bộ luật, các khu vực tư nhân và nhà nước hợp tác với nhau chặt chẽ thì mới có khả năng giảm thiểu loại tội phạm thời đại này”.
Nhưng Miroshnikov cũng lạc quan khi cho rằng “Họ chỉ là những tay hacker khi còn là những cậu bé nghịch ngợm, khi lớn, họ sẽ trưởng thành và đủ thông minh để nhận ra họ cần làm gì cho cuộc sống.”
“Ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Nga sẽ không chỉ đối mặt với thách thức của hiện tại mà của cả những thay đổi bất thường phía trước. Nga tham gia vào đấu trường IT muộn màng hơn, nhưng sẽ là kẻ chiến thắng. Chúng tôi muốn biến công nghệ thông tin trở thành nguồn “tài nguyên tự nhiên” của đất nước.” Bộ trưởng Reiman tuyên bố.
Diễn đàn Kinh tế Nga tại Luân Đôn kết thúc vào thứ Ba vừa qua.
Phạm Thúy